Cần sớm có chính sách tổng thể để ngành gỗ phát triển bền vững
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu sản phẩm gỗ, thứ 2 châu Á sau Trung Quốc và thứ nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, với tốc độ phát triển bình quân 2 con số liên tục nhiều năm (năm 2013 là 19% với 5,7 tỷ USD), dự kiến năm 2014 sẽ là 6,5 tỷ USD, chỉ tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam là điều khả thi.
Tiềm năng gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ
Để gia tăng khả năng cạnh tranh, Việt Nam cũng cần đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc và chất lượng gỗ (Ảnh: HNV) |
Theo Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa), ngành hàng chế biến gỗ có năng suất lao động khá cao, mỗi lao động tạo ra 18.300USD/năm, so với 13.900USD/lao động/năm ngành giày dép, 8.900USD/lao động/năm ngành thủy sản và 7.100USD/lao động/năm ngành dệt may. Điều đáng nói, sự phát triển của ngành hàng này kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ như keo dán gỗ, dầu màu, vật liệu kim khí, bao bì và chèn lót, giấy nhám với doanh số hàng năm trên 1,7 tỷ USD (nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm 30%).
Cơ hội cho ngành chế biến gỗ còn rất lớn, bên cạnh thị trường xuất khẩu lên đến 120 nước, thị trường nội địa với hơn 90 triệu người, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ bình quân hơn 21 USD/người/năm – là một thị trường hấp dẫn tại chỗ. Với sự phục hồi kinh tế, nếu khai thác tốt thị trường nội địa, có thể doanh số tiêu thụ nội địa sẽ lên đến khoảng 2 tỷ USD/năm. Vì vậy, Hawa đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa ngành hàng này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển, hướng đến mục tiêu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu/năm. Bên cạnh sự phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ, còn kích thích việc trồng rừng kinh tế, với 3,4 triệu ha, khai thác hàng năm 15 triệu m3 gỗ tròn, giảm dần lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước.
Thị trường nội địa khởi sắc
Hiện nay, ngành gỗ nội thất lại tăng thêm cơ hội trở về sân nhà sau thời gian dài để cho mặt hàng gỗ nội thất nước ngoài chiếm lĩnh. Cuộc khảo sát của một công ty độc lập nước ngoài cho thấy, với quy mô 90 triệu người, thương mại đồ gỗ Việt Nam 4 năm gần đây vào khoảng 19,8 tỷ USD/năm.
Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại đến từ 70% dân cư nông thôn. Trước thời điểm suy thoái kinh tế, giá trị thương mại đồ gỗ nội địa đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Và với sự hồi phục này, tiêu dùng nội địa năm nay nhiều khả năng đạt 2 tỷ USD trở lên và sẽ tăng thêm vào những năm tới.
Theo Hawa, các doanh nghiệp trong nước có ưu thế khi sản phẩm được chế biến bằng gỗ đặc (solid wood), chắc và bền hơn nhiều so với đồ các nước làm từ gỗ, ván nhân tạo. Điều này đáp ứng nhu cầu số đông người tiêu dùng trong nước do vẫn thích hàng “ăn chắc mặc bền”. Trong khi đó, theo khảo sát của Ban tổ chức tại Hội chợ Đồ gỗ nội địa Vifa home 2013 (tháng 11/2013), dù còn khiêm tốn khi tổng mức giao dịch tại chỗ là 16 tỷ đồng, nhưng tăng đến 30,3% so với lần hội chợ cùng kỳ năm trước.
Cần sớm có chính sách tổng thể
Tuy nhiên, hiện nay, ngành chế biến gỗ cũng đang đối diện không ít hạn chế và thách thức. Báo cáo của Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương chỉ rõ, ngành chế biến gỗ có sự phát triển mạnh mẽ những năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, nhưng lợi nhuận và giá trị gia tăng sản phẩm đồ gỗ chưa cao do chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ chủ yếu là nhập khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu thấp.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra, một lao động Việt Nam làm ra 1,9 sản phẩm ghế/ngày, ở Trung Quốc là 4,5 sản phẩm; kinh nghiệm quản lý và chương trình đào tạo cho công nhân còn hạn chế; công suất sử dụng thấp.
Sản xuất đồ gồ xuất khẩu (Ảnh: L.Sơn) |
Thêm nữa, 96% doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô nhỏ, ít vốn (93% dưới 29 tỷ đồng/doanh nghiệp), đầu tư chưa thỏa đáng, tỷ suất lợi nhuận trung bình chưa cao; chưa có chính sách marketing nhất quán về sản phẩm như phân khúc thị trường; chiến lược về vật liệu và sử dụng nguyên liệu trong nước; việc hợp tác phân công giữa các doanh nghiệp còn yếu, không thể tạo thành sức mạnh để nhận những đơn hàng lớn. Và điều quan trọng không thể thiếu là chưa có chính sách, chiến lược sản phẩm quốc gia để có cơ chế khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, vẫn còn không ít người có quan điểm, ngành chế biến gỗ gắn với nạn phá rừng.
Thực tế, khoảng 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước lại thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, trên thị trường nội địa, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Vì vậy, cần nhanh chóng có chính sách tổng thể của Nhà nước như khuyến khích đầu tư vào ngành bằng chính sách thuế, khuyến khích xuất khẩu, tiếp cận dễ hơn các nguồn tài chính, tín dụng ưu đãi; hình thành các khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài ra, khuyến khích kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước để tận dụng kinh nghiệm thị trường của các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đặt ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vào thách thức lớn. Đó là, trong Hiệp định TPP có quy định về hàm lượng giá trị khu vực. Cụ thể là sản phẩm phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 55% tổng giá trị trở lên; doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công. Điều này trở thành rào cản lớn do cơ cấu thành phần của sản phẩm đồ gỗ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của TPP. Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia WB, trên 80% gỗ súc dùng để sản xuất sản phẩm gỗ ở Việt Nam đều phải nhập khẩu. Tính trung bình, Việt Nam nhập khẩu gần 3,5 triệu m3 gỗ/năm và trong đó, nhập khẩu gỗ xẻ phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ chiếm 65%.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra nằm ở trình độ lao động. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam theo tiêu chuẩn của TPP cần đòi hỏi một đội ngũ lao động tay nghề cao.
Để khắc phục hạn chế của ngành hiện nay, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm căn cứ cho các doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị; đầu tư trồng cây gỗ lớn với thời gian vay và trả nợ phù hợp với thời gian sinh trưởng của cây; có biện pháp để giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất nhập khẩu…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()