Cần sớm ban hành các quy định triển khai kỳ thi THPT quốc gia
Tác động của đề thi
Theo Bộ GD và ÐT kỳ thi THPT quốc gia có một số điểm đáng chú ý với tám môn thi (trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT phải thi bốn môn tối thiểu). Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được chọn môn thi thay thế hoặc có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm do các trường đại học (ÐH) đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường ÐH chủ trì, những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì Bộ GD và ÐT sẽ thống nhất UBND cấp tỉnh, thành phố tổ chức một số cụm thi do các sở GD và ÐT chủ trì. Những trường ÐH, cao đẳng (CÐ) không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình Bộ GD và ÐT.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được xã hội quan tâm. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng phương án đã ban hành là tối ưu nhất. Tuy nhiên, ngay sau khi phương án chính thức được công bố, dư luận xã hội tỏ rõ băn khoăn chung quanh những tác động và giải pháp triển khai phương án kỳ thi THPT quốc gia. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô – Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Với phương án thi mới đòi hỏi đề thi dùng cho cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ cho nên độ khó sẽ tăng hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước. Ðiều đó khiến cho mục tiêu tốt nghiệp THPT của học sinh sẽ nặng nề hơn. Vì vậy, Bộ GD và ÐT sẽ triển khai như thế nào về đề thi? Mặc dù những năm trước đây đã có đề thi mở nhưng kỳ thi năm 2015 sẽ đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu và nắm bắt nhiều thông tin hơn. Việc triển khai dạy và học của năm 2014-2015 phải điều chỉnh so với năm học trước. Vì trước đây, các trường THPT ngoài việc bảo đảm kiến thức tối thiểu đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT còn tập trung chuyên sâu về các môn tuyển sinh ÐH, CÐ. Tuy nhiên, năm học này, sẽ phải “dàn đều” cho các môn. Thí dụ, thí sinh thi khối khoa học tự nhiên sẽ vẫn phải tăng cường kiến thức, kỹ năng các môn khoa học xã hội để đáp ứng đề thi chung.
Khẳng định không lo lắng khi đề thi dùng cho hai mục đích nhưng Giám đốc Sở GD và ÐT Nam Ðịnh Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận việc dạy và học phải quan tâm hơn vì trước đây là thi tốt nghiệp THPT theo kiểu kiểm tra kiến thức còn bây giờ với đề mở đòi hỏi kiểm tra thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì yêu cầu phải cao hơn. Trong khi đó, PGS,TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định: Ðể thực hiện phương án thi mới, hệ thống ra đề thi phải chú ý để bảo đảm bốn yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Nếu ra đề thi mà kết quả thí sinh sàn sàn nhau, chỉ chênh nhau một chút thì rất khó chọn người giỏi cho tuyển sinh.
Giải quyết những vướng mắc
GS, VS, NGND Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Giáo dục) cho rằng: Có nhiều vấn đề đặt ra cho quá trình triển khai phương án thi THPT quốc gia. Trước đây tuyển sinh ÐH, CÐ theo khối nhưng hiện nay chưa rõ các khối, học sinh sẽ phải thay đổi sự chuẩn bị, không thuận lợi cho việc xác định năng lực chung là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ÐH, CÐ cần những năng lực chuyên biệt cho ngành đào tạo. Mặt khác, mọi thí sinh tốt nghiệp THPT đều được dự tuyển vào ÐH nhưng việc chia hai cụm thi, trong đó cụm thi tổ chức ở địa phương, học sinh chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật.
Ðể giải quyết những vấn đề đặt ra khi triển khai phương án thi mới, PGS, TS Lê Hữu Lập cho rằng, Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh để làm rõ nhiều vấn đề liên quan trong quá trình triển khai. Những vấn đề phụ huynh, học sinh thắc mắc, chưa hiểu hết sẽ phải thể hiện trong quy chế tuyển sinh. Thí dụ miễn Ngoại ngữ thì như thế nào gọi là miễn; có tính vào điểm thi hay không; quy định kết quả ở ngưỡng nào thì công nhận tốt nghiệp THPT… Ngoài ra, khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia sẽ có hệ thống dữ liệu quốc gia về điểm thi của thí sinh cho nên cần quy định để các trường tuyển sinh quanh năm sẽ hiệu quả hơn. Nếu chỉ khống chế thời gian tuyển sinh như hiện nay sẽ gây nên tình trạng hồ sơ ảo rất nhiều gây khó cho các trường ÐH.
Theo PGS, TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ÐT), kỳ thi THPT quốc gia tập trung ở các cụm thi do trường ÐH chủ trì để bảo đảm cả hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ; không nhất thiết là địa phương nào cũng phải có cụm thi riêng. Giao tổ chức cụm thi cho các trường ÐH phải trên cơ sở lựa chọn trường đã có kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh những năm trước chứ không phải giao cho trường chưa tổ chức thi bao giờ. Việc đưa ra cụm thi ở địa phương vì thực tế năm 2014 có gần 20% học sinh lớp 12 không dự thi ÐH, CÐ sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, không nên đòi hỏi các em đi dự thi ở xa mà có thể tạo cơ hội thi gần, đỡ vất vả.
Ðang có một loạt công việc mà Bộ GD và ÐT phải chuẩn bị sau khi công bố phương án thi. Việc cần là Bộ GD và ÐT sớm ban hành các quy định, nhất là những quy định về tuyển sinh năm 2015, từ đó các trường sớm công bố phương án tuyển sinh để thí sinh có thông tin tìm hiểu, lựa chọn.
Ý kiến ()