Cần siết chặt quản lý việc kinh doanh thuốc lá điện tử
(LSO) – Theo nhận định từ các cơ quan y tế, thuốc lá điện tử (TLĐT) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các bệnh về hô hấp, thậm chí gây ung thư cho người sử dụng. Trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng và kinh doanh TLĐT tương đối phổ biến. Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp quản lý đối với mặt hàng này.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, không khó để bắt gặp những người sử dụng TLĐT tại các quán giải khát vỉa hè, kinh doanh đồ uống… Anh Dương Tuấn Anh (31 tuổi), trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi được nhiều bạn bè giới thiệu là hút TLĐT có thể giúp cai thuốc lá, không gây nghiện và rất an toàn nên đã sử dụng. Mua TLĐT tại Lạng Sơn rất dễ dàng, có thể mua trực tiếp tại quầy bán hoặc đặt mua trên mạng xã hội facebook.
Thanh thiếu niên sử dụng TLĐT tại thành phố Lạng Sơn
Tại một điểm bán TLĐT trên địa bàn phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn), theo giới thiệu của chủ cơ sở, các loại TLĐT có rất nhiều mức giá, loại rẻ có giá từ 400.000 đến 500.000 đồng, loại đắt thì từ 3 đến 5 triệu đồng/bộ. Các loại tinh dầu sử dụng cho TLĐT cũng có giá khoảng 200.000 – 500.000 đồng mỗi lọ 100 ml, tùy vào từng hương vị. Anh D.A.T, chủ cơ sở cho biết: Mỗi tháng, tôi bán khoảng 10 – 20 bộ TLĐT, tôi cũng kinh doanh các thiết bị linh kiện và tinh dầu để sử dụng TLĐT. Khách hàng của tôi chủ yếu là thanh niên, tuy nhiên, cũng có khá nhiều học sinh đến mua.
Mặc dù theo nhiều người, TLĐT ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống và giúp cai thuốc lá. Thế nhưng, sự thật lại không phải vậy. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong TLĐT chứa nicotin tương tự thuốc lá truyền thống nên có tính gây nghiện. Đáng nói là lượng nicotin trong TLĐT rất khó kiểm soát, do phần lớn tinh dầu sử dụng trong TLĐT đều có nguồn gốc không rõ ràng. Hơn nữa, TLĐT chứa diacetyl, propylen, đây là chất độc hại, có nguy cơ dẫn đến bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư… Nếu so với thuốc lá điếu thì TLĐT hoàn toàn có khả năng gây ung thư cao hơn. Chưa kể, các sản phẩm này phần lớn đều là hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng, trong quá trình sử dụng các linh kiện điện tử hoàn toàn có nguy cơ cháy, nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, mặc dù không thống kê cụ thể, nhưng trong năm 2020, lực lượng đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý một số vụ vận chuyển, buôn bán TLĐT với số lượng lớn. Điển hình là trong tháng 11/2020, đơn vị đã xử lý 1 vụ vi phạm về kinh doanh TLĐT có nguồn gốc không rõ ràng với tổng số trên 1.000 bộ tại huyện Văn Lãng. Cũng trong tháng 11/2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 1 cơ sở kinh doanh bán TLĐT tại huyện Cao Lộc với số lượng lên đến 4.000 bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá, kiểm soát việc kinh doanh TLĐT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Các địa điểm kinh doanh TLĐT thường hoạt động “chui”, hình thức khác là bán và giao dịch qua mạng xã hội.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Đơn vị đã và đang xây dựng, triển khai các kế hoạch rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ kinh doanh không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại thuốc lá trái phép; tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu TLĐT qua biên giới. Qua đó, góp phần kiểm soát hoạt động kinh doanh TLĐT trên địa bàn.
Hiện nay, TLĐT được quảng cáo một cách công khai, tràn lan trên mạng xã hội. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh TLĐT, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng về những tác hại của TLĐT. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cần thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát từ phía con em ở lứa tuổi học sinh đối với việc sử dụng TLĐT. Qua đó, góp phần đẩy lùi TLĐT.
Ý kiến ()