Cần siết chặt quản lý rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu
PGS.TS Nguyễn Văn Việt nhận định, hiện nay rượu không kiểm soát được ở Việt Nam rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Vì thế, làm thế nào kiểm soát được rượu thủ công, rượu lậu, rượu giả mới hạn chế được tác hại của rượu mang lại.
Sáng 18-4, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Đây là dự thảo Luật đang được Bộ Y tế xây dựng và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương năm 2017 sản lượng bia các loại ước đạt 4 triệu lít, tăng 5,65% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng bia trong ba năm gần đây (2015-2017) có xu hướng giảm dần, năm 2017 giảm 3,65% so với 2016. Về sản lượng rượu, năm 2016, Việt Nam tiêu thụ 305 triệu lít, trong đó rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại rượu thủ công chiếm 200 triệu lít.
Theo một nghiên cứu điều tra quốc gia của PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện quy mô quốc gia tại sáu vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam từ tháng 11-2014 đến tháng 1-2016, rượu không kiểm soát được ở Việt Nam rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn (ước 2.000 tỷ đồng theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế).
“Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và WHO đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Nguyên nhân chính gây ra tác hại hay các vụ ngộ độc là do người tiêu dùng sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt nói.
Ông Việt khuyến nghị thêm “Hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia khá đầy đủ, có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, … Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt? Vì thế, chúng tôi kiến nghị cần tập trung vào các vấn đề về rượu dân tự nấu, rượu nhập lậu, rượu thuốc đang buôn bán tràn lan trôi nổi trên thị trường. Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này”.
Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật tới các nhà sản xuất và người dân, nâng cao nhận thức hành vi sử dụng đồ uống có cồn có trách nhiệm, có văn hóa, không lạm dụng chứ không nhất thiết phải ban hành thêm một luật nữa gây tốn kém nguồn lực và chưa tính toán được hiệu quả của nó mang lại.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho biết ủng hộ việc xây dựng một Luật về phòng chống tác hại do lạm dụng đồ uống có cồnchứ không phải là phòng chống đồ uống có cồn, cũng không phải phòng chống rượu, bia bởi rượu, bia chỉ là hai trong số rất nhiều đồ uống có cồn.
Về đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đại diện Hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%. Việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Về vấn đề cấm quảng cáo và tài trợ đối với đồ uống có cồn, ông Nguyễn Văn Việt phân tích sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, khi phương thức tiếp cận các phương tiện truyền thông của người dân hiện nay đã thay đổi rất nhiều.
Đại biểu quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, quy định về cấm giới thiệu, hạn chế quảng cáo bia rượu trong dự luật này cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ bởi hiện chúng ta đã có Luật Quảng cáo. Tất cả việc quảng cáo đều được điều chỉnh, thực hiện theo Luật Quảng cáo, nếu lại đưa quy định quảng cáo vào để điều chỉnh trong một luật cụ thể thì không phù hợp và sẽ dẫn đến chồng chéo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()