Cần siết chặt quản lý
LSO-Gần 1 năm nay, hoạt động san, lấp đất trái phép trên địa bàn xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình diễn ra ngang nhiên với sự “thờ ơ” của chính quyền xã. Hàng ngàn mét đất đồi bị san phẳng, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong Nhân dân.
Ngang nhiên san chỗ cao, lấp chỗ thấp
Nhà xây mới trên diện tích đất đồi mới được san phẳng
chưa được cấp phép chuyển đổi theo quy định
Theo đơn thư phản ánh của bạn đọc, sáng ngày 22/1/2021, nhóm phóng viên Báo Lạng Sơn có mặt tại thôn Kéo Bẻ, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình để tìm hiểu thực trạng việc “tự ý san, lấp đất trái phép”. Dọc theo đường tỉnh 250, chúng tôi bắt gặp 2 điểm khai thác đất đồi với máy xúc, máy khoan công suất lớn hoạt động rầm rập cả ngày, 3 xe tải 7 tấn nối tiếp nhau chở đất đi trên đường, gây bụi mù mịt.
Chị N.M.T (thôn Kéo Bẻ, xã Thống Nhất) cho biết: Suốt từ đầu năm 2020, ngày nào cũng vậy, máy xúc, máy khoan, xe tải chở đất chạy đi chạy lại cả ngày. Máy khoan đồi rầm rập, rung chuyển cả một vùng, đường sá bụi mù mịt gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân. Chúng tôi rất bức xúc.
Trước tình trạng đó, tháng 12/2020, người dân đã viết thư, kèm cả ảnh chụp gửi đến Báo Lạng Sơn. Trong đó nêu rõ “máy xúc, máy đục đá với công suất lớn và hàng chục chiếc xe tải từ 7 đến 9 tấn nối đuôi nhau vào đục khoét các đồi đất lớn đến đem lấp xuống các thửa ruộng, vườn có địa hình thấp hơn mặt đường để tạo mặt bằng phân lô, bán nền. Tình trạng này diễn ra từ tháng 10/2020. Giá mỗi xe đất dao động từ 150 đến 200 ngàn đồng”. Và trên thực tế, ngay gần khu vực đang san ủi đã có một ngôi nhà đang được xây dựng đã đổ trần tầng 1. Cách đó vài trăm mét là hai khoảng đất ruộng, có diện tích khoảng 400 mét vuông đã được lấp đầy đất đồi, sẵn sàng mặt bằng cho việc xây dựng nhà ở.
Cũng theo thông tin từ phía người dân, trước đó vài tháng, mỗi ngày có khoảng 20 lượt xe tải chở đất khoảng 5 khối/xe đổ xuống ruộng, san bằng, xây kè, làm nền xây nhà văn hóa xã.
Sự “vô tư” của chính quyền xã
Khu đất ruộng ven đường tỉnh 250 đã được lấp đầy
bởi đất đồi khai thác ở các khu vực gần đó
Điều đáng nói là mặc dù hai điểm khai thác đất trái phép này nằm cách trụ sở UBND xã chưa đầy một cây số nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày, kể cả khi có cán bộ địa chính đến thì máy xúc, máy đục đá của họ vẫn không dừng hoạt động. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là thái độ của chính quyền xã khi trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng khai thác, san, lấp đất tại hai điểm nêu trên.
Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất thừa nhận: Khi xây dựng nhà văn hóa xã, chúng tôi đã xin đất của người dân có nhu cầu san ủi, đang làm thủ tục chuyển đổi đất nhưng chưa được cấp phép, để lấp ruộng, kè cao 3 mét, đắp nền lấy mặt bằng xây dựng. Lợi dụng việc này, người dân đã tranh thủ san ủi đất đồi, lấy mặt bằng, bán cho người khác, xây dựng nhà ở. Sau đó, xã đã xuống hiện trường, kiểm tra, xử phạt.
Theo văn bản UBND xã cung cấp, ngày 9/11/2020, UBND xã đã tiến hành lập biên bản đối với hộ ông Đinh Văn Ngự (diện tích vi phạm 356 m2) và ông Đinh Văn Anh (diện tích vi phạm 989 m2) đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Kéo Bẻ, xã Thống Nhất vì vi phạm Khoản 25, Điều 3, Luật đất đai năm 2013: “đã có hành vi tự ý san ủi đất nông nghiệp, làm biến đổi địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất, suy giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, không được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Đến ngày 9/12/2020, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tiếp tục lập biên bản đối với gia đình ông Đinh Văn Ngự vì hành vi đào đất đồi trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ kích thức dài theo đường 60 mét, sâu 15 mét, làm lấp hệ thống rãnh dọc 10 mét mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định” và yêu cầu UBND xã Thống Nhất tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở hộ gia đình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật “tiếp tục thi công khi có cấp phép của cơ quan có thẩm quyền”.
Thế nhưng trên thực tế, từ đó đến nay, Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính – hộ tịch vẫn khẳng định là hai hộ gia đình này vẫn chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng việc san ủi vẫn diễn ra ngang nhiên với diện tích khoảng 3.000 m2, nhiều hơn gấp 3 lần so với thời điểm lập biên bản xử phạt.
Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, từ tháng 1/2020, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Xuân Tình, Như Khuê, Vân Mộng, Nhượng Bạn. Quy mô dân số, diện tích tự nhiên tăng lên, do đó phát sinh, xảy ra các vấn đề về đất đai, mặt bằng; cùng với sự thiếu kiên quyết của chính quyền trong ngăn chặn, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên khoáng sản, môi trường trên địa bàn xã. Vụ việc ở Thống Nhất như hồi chuông cảnh tỉnh các địa phương, đặc biệt các xã mới sáp nhập trong công tác quản lý đất đai, cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Qua vụ việc đã và đang tiếp diễn, UBND huyện Lộc Bình cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện khẩn trương vào cuộc xem xét và giải quyết những vấn đề nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 208, Luật đất đai năm 2013 (Luật số 45/2013/QH14 ngày 19/11/2013 của Quốc hội) quy định “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. |
Ý kiến ()