Cần ra sức chủ động phòng, chống bão, lũ
Cơn bão số 2 có cường độ rất mạnh và diễn biến phức tạp đang đổ bộ vào nước ta. Điều này cho thấy, Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại thiên tai, nhất là lũ và bão. Thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng khó lường, cả về người, tài sản và môi trường.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề về kết cấu hạ tầng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, sức khoẻ con người, môi trường sinh thái… Những năm gần đây, Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều cơn bão có cường độ rất mạnh; theo dự báo, trong năm 2014 và trong tương lai gần, nước ta tiếp tục phải chịu tác động nặng nề do thiên tai gây ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, nước ta chịu ảnh hưởng của 15 cơn bão với cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho nhiều tỉnh và thành phố. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năm 2013, thiên tai đã làm 313 người chết và mất tích; 1150 người bị thương; hơn 700.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, bị ngập nước, hư hỏng; hàng nghìn km đường giao thông cơ giới bị vỡ, sạt lở; hơn 17 nghìn ha lúa và 20 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; gần 117 nghìn ha lúa và 154 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng… Trong 6 tháng đầu năm 2014, thiên tai đã làm 44 người chết và mất tích; 92 người bị thương; gần 400 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 25 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 158 ha lúa và 2,3 nghìn ha hoa màu bị mất trắng.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, trong khi nguồn lực còn hạn chế, đã nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm giải quyết. Nhìn chung, bão lụt thường gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, trong khi đó, vấn đề bảo đảm an toàn hồ đập chưa thực sự có hiệu quả. Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay, nhiều hồ bị xuống cấp đã được sửa chữa ở mức bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều. Ước tính còn khoảng 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp. Công tác tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm cho các phương tiện đánh bắt thuỷ sản còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng, ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất còn nhiều lúng túng…
Cần khẳng định, công tác giảm nhẹ thiên tai luôn được coi là một phần không thể thiếu trong phát triển bền vững. Những yêu cầu về các biện pháp giảm nhẹ đối với thiên tai ngày càng tăng. Để chủ động ứng phó mùa mưa bão năm 2014 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân và các cấp bộ, ngành nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới thông tin truyền thông về quản lý thiên tai từ trung ương đến địa phương; tăng cường thời lượng phát sóng và kênh thông tin trực tuyến tác nghiệp của hệ thống truyền hình phục vụ chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương. Xây dựng chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về thiên tai và các giải pháp, kinh nghiệm phòng chống; chủ trương, chính sách của nhà nước về phòng chống thiên tai; dự báo và ứng phó với thiên tai. Bảo đảm các cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Nhanh chóng áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý và điều hành của bộ máy nhà nước đối với công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo hướng chuyên nghiệp và phản ứng kịp thời hơn. Tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương, cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng có khả năng thích nghi cao với tác động của biến đổi khí hậu gắn chặt với công nghệ sinh học.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ và vật liệu mới trong việc nâng cao độ an toàn bền vững của các công trình đê điều, hồ đập, cầu cống, công trình chống sạt lở và xây dựng dân dụng. Huy động tối đa nguồn lực sẵn có cho công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia và nâng cao trách nhiệm của toàn dân, của các tổ chức, của các thành phần kinh tế nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế thực sự phát triển theo hướng bền vững.
Theo CPV
Ý kiến ()