Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
- Ngày 30/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam với chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cũng như các địa phương đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hội thảo bàn các giải pháp để thực hiện hiệu quả |
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, hiện nay, mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng và chưa có giải pháp khắc phục. Sự chênh lệch giàu – nghèo có xu hướng gia tăng. Theo công bố mới của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê thì hệ số chênh lệch đã tăng cụ thể là 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012). Đáng chú ý, tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn – đô thị.
Ngoài ra, sự tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống, các tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế, ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức ở một số địa phương chưa được chú trọng, thậm chí một số nơi, việc chỉ đạo còn lơ là, thiếu quyết liệt. Một bộ phận hộ nghèo, xã nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, hệ thống chính sách hiện nay vẫn còn chồng chéo, bất cập. Các chính sách bảo trợ xã hội luôn thay đổi và hướng dẫn triển khai thực hiện chậm. Kinh phí bố trí cho một số chính sách, dự án (như khuyến nông – lâm – ngư, dạy nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình) tập trung cho các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương. Rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tập trung tăng cường nguồn lực cho phát triển vùng, địa bàn khó khăn. Cũng có ý kiến cho rằng, cần tiến tới xóa dần chính sách cho không các mặt hàng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Chú trọng ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn như huyện, xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()