Để người bị oan được chia sẻ, thấu hiểu
Theo các đại biểu, một trong những điểm sáng của công tác tư pháp là tiếp tục thực hiện việc bồi thường oan trong tố tụng hình sự theo tinh thần Nghị quyết 38 của Quốc hội. Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy trong nhiệm kỳ qua tòa án các cấp đã thụ lý 27/27 đơn yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án. Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy trong nhiệm kỳ qua đã thụ lý giải quyết 96 đơn yêu cầu bồi thường thuộc thẩm quyền và đã giải quyết bồi thường 85 người, số còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), vẫn còn có trường hợp việc tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường chưa được thực hiện một cách thấu đáo, diễn ra quá ngắn gọn. Sau lời xin lỗi cũng rất ngắn gọn của người đại diện cơ quan bồi thường là kết thúc buổi xin lỗi công khai, người được xin lỗi chưa có cơ hội để giãi bày thể hiện quan điểm, chia sẻ chính kiến làm cho họ có cảm giác hụt hẫng, đau buồn của họ thiếu được sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc từ phía công quyền. Những trường hợp như vậy đã làm cho ý nghĩa to lớn của công tác bồi thường oan trong tố tụng hình sự cũng như những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, những nỗ lực của công luận và của người dân chưa được thật trọn vẹn.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), báo cáo của Tòa án và Viện kiểm sát chưa cân đối giữa thành tích và hạn chế tồn tại. Báo cáo của Viện kiểm sát có gần 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu hạn chế rất chung chung. Một số hạn chế làm dư luận bức xúc, tồn tại nhiều năm lại không được đề cập trong báo cáo như để xảy ra oan sai, sai người vô tội, bỏ lọt tội phạm. Trường hợp tạm giam, tạm giữ bị đánh chết, bị bức cung, nhục hình. Việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự chưa kịp thời. Vấn đề tiêu cực trong truy tố, trong điều tra còn chậm khắc phục.
Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chưa nêu hạn chế về tình trạng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật do lỗi chủ quan, lỗi quyết định sai của Tòa án. Gần 5 năm qua có trên 785 bản án tuyên sai, tuyên không rõ nội dung, trong đó nhiều vụ án không thi hành được, có những bản án tồn đọng trên chục năm. Tòa án chưa có giải pháp tập trung giải quyết số lượng tồn đọng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, việc ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tiêu cực vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật trong tòa án.
Đại biểu này đề nghị có giải pháp khắc phục triệt để đơn thư tồn đọng, án tồn đọng, Vì khắc phục được điều này thì mới khắc phục được việc đại biểu nợ cử tri, nhiều vấn đề nợ cử tri trên chục năm, hết nhiệm kỳ đại biểu vẫn không giải quyết được.
Không đồng tình với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng trách nhiệm oan, sai không phải lỗi của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong nhiệm kỳ này, mà là những lỗi xảy ra từ những nhiệm kỳ trước. Ngược lại, cần phải đánh giá sự rất nghiêm túc, rất thẳng thắn của hai cơ quan này, đó là không tìm cách đun đẩy, bao che mà đưa vụ việc ra để xem xét, xử lý, mang lại công bằng cho người dân, mang lại công lý và sự tin tưởng của người dân.
Người tiến hành tố tụng cần có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp
Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp các cơ quan tư pháp cần làm trong nhiệm kỳ tới. Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), nên có thời hạn và công khai về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để dù cán bộ có muốn trì hoãn cho đến khi hết thời hạn cũng không làm được. Bởi vì, cử tri cho rằng một số người cứ dền dứ, trì hoãn cho đến lúc hết thời hạn.
Thêm nữa, đại biểu An cho rằng vấn đề con người quyết định tất cả. Bà đề nghị Học viện Tòa án nên có quy chế đặc biệt trong tuyển chọn các sinh viên, khi ra trường có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để những người có đủ tài, đủ đức cầm cán cân công lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục chấn chỉnh đội ngũ thẩm phán về mặt đạo đức và năng lực thì quyền tư pháp sẽ thực sự đóng một vai trò mạnh mẽ và tích cực, tương xứng với vị trí của nó được quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, theo Hiến pháp, cũng như theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân được đưa lên hàng đầu. Đây là một sự thay đổi lớn so với Hiến pháp cũ và luật pháp cũ. Ông đề nghị Tòa án và Viện kiểm sát phải xác định đây là một trong những trách nhiệm hàng đầu. Kiểm sát viên cần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và chấp nhận tranh tụng bình đẳng với luật sư, không câu nệ vào vị trí ghế ngồi và chủ yếu là dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đề nghị Quốc hội khóa XIV đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ mới xây dựng Luật án phí, lệ phí tòa án để có bước cải tiến thực sự trong việc thu án phí, lệ phí tòa án phục vụ cho hoạt động xét xử, giảm chi phí cho người dân. Đồng thời, tiếp tục có hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự (Bộ luật Hình sự mới), để xử lý được những hành vi hiện nay xã hội đang rất bức xúc như hoạt động bán hàng đa cấp, tín dụng đen có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn về án oan sai, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Tòa án và Viện kiểm sát cần phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội, với đại biểu Quốc hội, với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị, các vấn đề oan sai. Trong thời gian vừa qua, về việc phối hợp này có nhưng chưa rõ, đặc biệt những vấn đề giải quyết như đối với Tòa án nhân dân tối cao thì những vụ việc nhất là trong lĩnh vực dân sự, kể cả hình sự cũng có thì chưa có được sự phối hợp lắng nghe từ cơ sở, từ các tổ chức mà có chức năng giám sát, cũng như có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị trong nhiệm kỳ tới, hoặc trong thời gian gần nhất, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với Bộ Công an có một chương trình rà soát lại tất cả những vụ án oan sai để giải quyết dứt điểm những bức xúc hiện nay của người dân đang bị oan sai.
Ý kiến ()