Cần quyết tâm cao trong mở rộng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 10 năm nay, cả nước có khoảng 17,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và hơn 87 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn) |
Nếu so với cùng kỳ năm trước, kết quả mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đã có tốc độ tăng trưởng khá, trong đó riêng số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng hơn 10%. Đặt trong bối cảnh kinh tế đất nước nói chung và đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, có thể nói, đây là những kết quả hết sức tích cực.
Trên thực tế, để vượt qua những khó khăn này nhằm hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất là mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sớm tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và tăng cường phối hợp với các ngành, cơ quan, đoàn thể trong thực hiện chính sách; đề xuất hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương cho các nhóm đối tượng tham gia từ ngân sách địa phương…
Tập trung rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động thuộc diện tham gia bắt buộc; tiến hành kiểm tra và thanh tra chuyên ngành đóng để kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm…
Riêng trong công tác mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thông tin về chính sách đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người mới thoát nghèo, người mới thoát khỏi vùng 2, vùng 3 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg để vận động tiếp tục tham gia; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hiệu quả…
Mặc dù vậy, việc thực hiện các chỉ tiêu về mở rộng đối tượng tham gia của năm 2022 vẫn còn không ít khó khăn. Khó khăn trước hết là kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu. Theo đó, để có thể “đến đích”, trong hai tháng còn lại của năm nay, ngành Bảo hiểm xã hội còn cần phải phát triển thêm hơn hai triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) và hơn ba triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, khác với nhiều năm trước, trong những tháng cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tại các tỉnh phía nam do thiếu đơn hàng đã buộc phải giãn tiến độ sản xuất, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng nghìn người lao động và tình hình được dự báo là còn có thể phức tạp hơn.
Điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với người lao động, cũng như làm giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà còn có thể khiến cuộc sống của các gia đình lao động trở nên khó khăn hơn, làm giảm khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Dù từ trước thời điểm này, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã triển khai các giải pháp quyết liệt nhất, tuy nhiên, để hoàn thành được nhiệm vụ trước mắt cũng như mục tiêu lâu dài là bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và trực tiếp là ngành Bảo hiểm xã hội phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, với quan điểm “ngày nào cũng là ngày cuối năm”.
Ý kiến ()