Cần quyết liệt xử lý nợ bảo hiểm xã hội
LSO-Hiện nay, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng còn diễn ra phổ biến. Số nợ BHXH của tỉnh mặc dù vẫn được kiểm soát và nằm trong ngưỡng cho phép của BHXH Việt Nam nhưng cần có sự chỉ đạo quyết liệt để có giải pháp hiệu quả nhằm xử lý thu hồi nợ đọng.
Đoàn thanh tra của BHXH tỉnh thanh tra đơn vị có dấu hiệu vi phạm
việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Công ty Cổ phần Mê Kông (tháng 10/2018)
Toàn tỉnh nợ BHXH gần 49 tỷ đồng
Theo số liệu tổng hợp của BHXH tỉnh, tính đến tháng 10/2018, số nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là gần 49 tỷ đồng, chiếm 3,5% dự toán thu BHXH Việt Nam giao. Trong đó, trên 33,4 tỷ đồng do các đơn vị nợ, chiếm 2,37% dự toán thu; số còn lại là ngân sách nhà nước nợ do các đơn vị sự nghiệp chưa được cấp phần chênh lệch lương khi điều chỉnh lương cơ sở theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.
Ông Vũ Hoàng Mạnh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 1.299 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có 940 đơn vị nợ đọng, 314 đơn vị nợ kéo dài, 45 đơn vị nợ khó thu. Trong số các đơn vị nợ kéo dài có 131 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên, với trên 13 tỷ đồng nợ chưa tính lãi; nợ lãi chậm đóng của 131 đơn vị này trên 3,2 tỷ đồng.
Qua báo cáo từ các huyện, thành phố cho thấy, hiện thành phố Lạng Sơn có tỷ lệ nợ cao nhất, chiếm 36,98% tổng số nợ toàn tỉnh; sau đó là các huyện: Cao Lộc (17,2%); Chi Lăng (11,6%); Hữu Lũng (10,47%), Lộc Bình (4,65%)… Một số doanh nghiệp có số nợ cao như: Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành trên 2,1 tỷ đồng (nợ 7 tháng); Công ty Cổ phần Xi măng Hồng Phong trên 1,3 tỷ đồng (nợ 9 tháng); Công ty TNHH Hồng Phong, huyện Cao Lộc trên 1,6 tỷ đồng (nợ 9 tháng)…
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không hiệu quả hoặc gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; chưa thanh quyết toán được kinh phí… dẫn đến chậm đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm. Ông Vũ Văn Nghĩa, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Mê Kông (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Doanh thu trên sổ sách của đơn vị trong 9 tháng năm 2018 đạt gần 3 tỷ đồng, tuy nhiên công ty chưa được thanh toán tiền do nhiều công trình thi công cho các đơn vị cơ quan nhà nước chưa được cấp ngân sách để giải ngân, thanh toán cho đơn vị. Vì vậy, đơn vị đang nợ BHXH 14 tháng.
“Tình trạng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động. Vì thế, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham gia các đoàn thanh, kiểm tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đối với các công đoàn cơ sở đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Đồng thời, ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Bảo hiểm Xã hội tỉnh để nắm danh sách các đơn vị nợ, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động; trực tiếp chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc tăng cường giám sát cơ sở, đặc biệt những đơn vị, doanh nghiệp có nợ đọng bảo hiểm xã hội. Từ đầu năm 2018 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp, tổ chức kiểm tra, giám sát 4 cuộc với tổng số 24 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị nợ đọng kéo dài. Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu những đơn vị đó khắc phục trong thời gian sớm nhất”. Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh |
Người lao động thiệt thòi
Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN sẽ khiến người lao động (NLĐ) bị mất quyền lợi hợp pháp, chịu thiệt thòi vì không được giải quyết các chế độ theo quy định.
Trường hợp chị Trần Thị Lê Dung, kế toán của Công ty Cổ phần Mê Kông (thành phố Lạng Sơn) là một ví dụ. Chị Dung sinh con từ tháng 8/2017 nhưng đến nay chưa được hưởng chế độ thai sản do công ty nợ BHXH từ tháng 7/2017 đến hết tháng 9/2018 với số tiền trên 96 triệu đồng. Mặt khác, trường hợp chị Dung có sự điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm từ 3,2 triệu đồng hằng tháng lên mức 10,8 triệu đồng từ tháng 4/2017 mà công ty không giải trình được lý do tăng mức đóng, vì vậy cơ quan BHXH đã hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại mức lương cho phù hợp và xây dựng thang bảng lương theo quy định.
“Công ty chúng tôi chuyên thiết kế và xây dựng các công trình dân dụng, thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, công ty còn hơn 10 dự án với số tiền hơn 1 tỷ đồng chưa được giải ngân vốn nên chưa có kinh phí để trích nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. Tuy khó khăn nhưng chúng tôi vẫn chi trả đầy đủ, kịp thời tiền lương, đảm bảo thu nhập để người lao động yên tâm làm việc và ngày 18/10/2018 chúng tôi đã bố trí kinh phí để nộp hết số tiền nợ bảo hiểm”. Ông Trịnh Quốc Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế và Xây dựng Trường Thành (số 39/17A, đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) |
Không chỉ có NLĐ ở Công ty Cổ phần Mê Kông bị ảnh hưởng quyền lợi, trên thực tế, hiện có rất nhiều NLĐ dù biết việc công ty, chủ sử dụng lao động đang vi phạm Luật BHXH và Luật Lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Đồng bộ giải pháp xử lý
Hành vi gian lận, nợ, trốn đóng BHXH đã được hình sự hóa. Trên thực tế Lạng Sơn chưa có đơn vị nào bị xử lý hình sự về nợ đọng BHXH, nhưng vài năm trước đây, BHXH tỉnh đã trực tiếp khởi kiện một số đơn vị. Qua hòa giải, các đơn vị đã đóng nợ, vì vậy BHXH tỉnh đã rút đơn khởi kiện.
Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên… |
Bà Nguyễn Hồng Thịnh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định: Nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN không chỉ vi phạm lợi ích hợp pháp của NLĐ mà còn ảnh hưởng, gây hậu quả nghiêm trọng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, ngành đã chủ động phối hợp với các ngành như: thuế, lao động – thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm nợ BHXH với số tiền, số tháng nợ cao trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2018, các phòng chuyên môn nghiệp vụ của BHXH tỉnh đã tăng cường đôn đốc thu nợ, xử lý nợ ngay khi có phát sinh, không để quá thời hạn mới xử lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra thường xuyên, thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Văn Tuy, Trưởng phòng Thanh tra – Kiểm tra, BHXH tỉnh cho biết: Đầu tháng 9/2018, đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 9 đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh có dấu hiệu vi phạm việc đóng BHXH, BHTN, BHYT với số nợ trên 8,2 tỷ đồng. Sau khi thanh tra, hiện đã có 7 đơn vị nộp trên 3,9 tỷ đồng tiền nợ đọng, đạt gần 50% số nợ phải thu.
Cùng với thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam, Phòng Thanh tra – Kiểm tra BHXH tỉnh cũng chủ động tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra. Theo đó, tính đến ngày 19/10/2018, BHXH tỉnh đã thanh tra chuyên ngành được 60 đơn vị, xử phạt 7 đơn vị (có 1 đơn vị chuyển từ cuối 2017 sang) với số tiền trên 52 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 15 đến ngày 19/10/2018, BHXH tỉnh tổ chức thanh tra đột xuất 13 đơn vị có dấu hiệu vi phạm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã có một số đơn vị đóng nộp số nợ theo quy định.
Tỷ lệ nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các huyện, thành phố trong 9 tháng 2018
Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, bà Nguyễn Hồng Thịnh cho rằng, ngoài các biện pháp mạnh của ngành BHXH, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền vào cuộc chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân, NLĐ hiểu đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn của chính sách an sinh xã hội. Trong trường hợp DN nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN thì NLĐ cần tìm đến tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH để có những tư vấn, hướng dẫn thủ tục đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho mình. Đối với các DN có tỷ lệ nợ BHXH cao, số tháng nợ cao, thời gian tới, ngành sẽ thực hiện các thủ tục theo quy trình, xem xét chuyển hồ sơ đơn vị nợ kéo dài, có số nợ cao sang cho ngành chức năng xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ý kiến ()