Cần quy định rõ về tàu bay không người lái để quản lý và khai thác hiệu quả phương tiện hiện đại
Liên quan việc đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái trong dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng để vừa quản lý được phương tiện bay, vừa tạo điều kiện thông thoáng nhằm đưa phương tiện hiện đại vào cuộc sống.
Bảo vệ thế trận phòng không hài hòa với phục vụ yêu cầu cuộc sống
Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên...
Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải có giấy phép bay tương ứng, trừ trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, ở cự ly ngắn, độ cao dưới 50m, có trọng lượng cất cánh tối đa hạn chế, ít khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không.
Bày tỏ quan tâm về quy định đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) phân tích, máy bay không người lái cũng là công cụ phục vụ đời sống, như trong nông nghiệp có thể dùng vào việc phun thuốc, rải phân bón, hoặc chụp ảnh nghệ thuật, tổ chức sự kiện, thám hiểm, quản lý, bảo vệ rừng…
Do đó, đại biểu cho rằng cần tính toán, nghiên cứu quy định phù hợp để vừa bảo vệ được thế trận phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh chính trị, vùng trời Tổ quốc, lại vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Đại biểu Toàn nêu quan điểm, trong trường hợp cấp phép cho hoạt động bay thông thường phục vụ cuộc sống, nên phân cấp cho địa phương quyết định và cần rõ ràng về phạm vi.
“Thí dụ, khi đăng ký 1 phương tiện bay với mục đích, phạm vi, độ cao xác định thì có thể xin đăng ký với 1 cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Tôi đề nghị Ban soạn thảo đề xuất quy định cụ thể về giao thẩm quyền cho cơ quan này để vừa quản lý được phương tiện bay, lại vừa tạo điều kiện thông thoáng cho người dân sử dụng và đưa phương tiện hiện đại vào cuộc sống”, đại biểu nêu kiến nghị.
Cũng bày tỏ quan tâm đến nội dung này quy định tại Điều 29, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho biết, ở điểm c khoản 2 có quy định người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng việc quy định tiêu chí “có kiến thức về hàng không”, bởi đây là một tiêu chí, điều kiện có phần chặt chẽ và khó áp dụng trong thực tiễn, do đa phần người khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện tàu bay siêu nhẹ hiện nay chưa có kiến thức về hàng không, cũng như yêu cầu, nội hàm của khái niệm kiến thức về hàng không cũng chưa rõ ràng, cụ thể.
Ngoài ra, ở điểm a khoản 4 điều này quy định về miễn giấy phép bay đối với trường hợp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, ở cự ly ngắn, độ cao dưới 50 mét...
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định theo tiêu chí trọng lượng của thiết bị bay hoặc trọng tải, trọng lực tối đa mà thiết bị bay có thể đem theo. Theo đại biểu, lý do là vì việc quy định tiêu chí theo độ cao rất khó trong việc xác định và quản lý, nhất là việc phát hiện vi phạm để xử lý trong các trường hợp cụ thể.
Đánh giá tính khả thi của việc huy động quần chúng vào nhiệm vụ phòng không nhân dân
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật về nội dung huy động lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo luật nên quy định độ tuổi theo hướng mở để huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân.
Cụ thể, theo đại biểu, đối với lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt, khống chế độ tuổi như dự thảo luật hiện nay là phù hợp; còn đối với lực lượng phòng không nhân dân huy động thì không nên giới hạn độ tuổi để huy động càng nhiều người tham gia vào lực lượng này càng tốt.
Về phần mình, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) cho rằng, “lực lượng phòng không nhân dân huy động” là một khái niệm mới có ảnh hưởng và liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tổ chức và hoạt động của phòng không nhân dân, cũng như các chế độ, chính sách bảo đảm đối với lực lượng phòng không nhân dân.
Do đó, đại biểu đề nghị việc xây dựng các quy định về lực lượng này cần phải dựa trên kết quả tổng kết việc thi hành Nghị định số 74/2015/NĐ-CP, đồng thời dựa trên đánh giá, tổng kết thi hành các quy định về lực lượng dân quân tự vệ phòng không được quy định tại Luật Dân quân tự vệ năm 2018.
Mặt khác, đại biểu Tuấn cũng bày tỏ băn khoăn về chủ trương tổ chức lực lượng phòng không nhân dân huy động do nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân kiêm nhiệm thực hiện.
Đại biểu đoàn Kiên Giang cho rằng, khác với các lực lượng vũ trang nhân dân khác, lực lượng phòng không phải thực hiện các nhiệm vụ tác chiến liên quan đến máy bay, radar, tên lửa, pháo phòng không…
Việc huấn luyện các nghiệp vụ tác chiến phòng không cũng như sử dụng các trang thiết bị thuộc lĩnh vực này có nhiều đặc thù liên quan đến trình độ, thể chất, mất nhiều thời gian đào tạo, huấn luyện, đòi hỏi phải do lực lượng được đào tạo chuyên ngành thực hiện.
Trên thực tế hiện nay, các hoạt động bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cũng không có nhiều nội dung về hoạt động phòng không. Vì vậy, đại biểu Tuấn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động và tính khả thi của việc huy động nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng vào các nhiệm vụ phòng không nhân dân.
Ý kiến ()