Cần quy định rõ trách nhiệm của chủ rừng
Ngày 22/3, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam (Vifora) đồng chủ trì tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) nhằm khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo tại Việt Nam.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Dự thảo Luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tới nay đã có bản dự thảo lần 5. Tuy nhiên, trong các bản dự thảo này, vai trò cũng như trách nhiệm và sự tham gia của các chủ rừng vào việc xây dựng, thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Theo đại diện Vifora, trong tháng 2/2017, Vifora đã kết hợp cùng Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức ActionAid thực hiện 15 cuộc khảo sát cộng đồng tại 5 tỉnh Cao Bằng, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Trà Vinh và Bạc Liêu. Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng chuyển nhượng rừng và đất rừng đang diễn ra khá phổ biển, nhất là đối với những khu vực trồng rừng có hiệu quả cao hoặc được sử dụng một phần đất rừng để sản xuất nông nghiệp, thủy sản, du lịch. Do đó khái niệm “chủ rừng” đôi khi không chính xác bởi người có quyền quyết định trồng, khai thác và mua bán rừng là người thuê đất của các chủ rừng khác, chứ không phải là chủ sở hữu đất rừng. Theo dự thảo Luật, họ không được xem là chủ rừng.
Chính vì vậy, hiện còn nhiều ý kiến về những quy định chưa phù hợp cũng như những điểm trống về quyền, nghĩa vụ của chủ rừng trong dự thảo Luật này.
Nhiều ý kiến chuyên gia và các cán bộ địa phương, chủ rừng kiến nghị, cần bổ sung quy định “mọi khu rừng trong diện tích quy hoạch đều được giao cho một chủ rừng cụ thể quản lý” và bỏ quy định “cùng phong tục, tập quán” trong khái niệm thuật ngữ về chủ rừng là cộng đồng. Cùng với đó, đề nghị có quy định về quyền được hưởng lợi từ rừng đối với người dân sống gần rừng. Vì hiện nay, người dân sống gần rừng vẫn tiếp cận với tài nguyên rừng, khai thác các nguồn lợi từ rừng nhưng không theo quy định nào của Nhà nước hay cộng đồng địa phương.
Tại hội thảo này, ông Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Vifora cho biết, hiện nay đa số các chủ rừng đều đề nghị tăng thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm xâm lấn rừng và đất rừng. Đồng thời, cần có các quy định cơ bản về quy chế quản lý các loại rừng được đưa trực tiếp vào Luật để chủ rừng có thể thực hiện ngay mà không cần đi xin những giấy phép sau này.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ hơn một số quyền và nghĩa vụ của chủ rừng bởi vẫn còn tồn tại một số văn bản dưới luật gây khó khăn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số, thanh niên và phụ nữ. Do đó, việc góp ý sửa đổi Luật là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật trong thực tiễn, cũng như thúc đẩy minh bạch và công bằng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong quản lý rừng tại địa phương.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()