Cần quy định quản lý chặt chẽ đối tượng sử dụng vũ khí
Về quy định nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí.
Phương án 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Đồng tình với phương án 1, ĐB Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) phân tích: Việc quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí phù hợp với Điều 68 Hiến pháp năm 2013 về xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đúng theo Nghị quyết của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng ứng dụng, tặng cường nguồn lực, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Phù hợp với tính đặc thù trong công tác của lực lượng Công an nhân dân, đó là hoạt động bí mật cần có những loại vũ khí, vật liệu nổ chuyên dùng.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng phương án 1 đảm bảo tính khả thi và điều kiện thực tế, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ quản lý của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ của Nhà nước với vũ khí. Tuy nhiên, ĐB cho rằng cả hai phương án trên quy định xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí chưa làm rõ việc xuất nhập khẩu vũ khí phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, xuất nhập khẩu vũ khí thông thường trong tập luyện, thi đấu, thể dục thể thao. Việc mua sắm vũ khí trang bị quốc phòng quốc gia thực hiện như thế nào?. Doanh nghiệp nào được thực hiện, cấp nào quyết định?. Mua sắm có tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công hay không?.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh chỉ ra: Hiện nay, quy định trang bị cấp phép sử dụng vũ khí được cho là rất chặt chẽ, tuy nhiên việc quản lý đối tượng sử dụng lại còn rất nhiều sơ hở, nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa phát hiện sai sót ở khâu nào. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ việc sử dụng vũ khí, đặc biệt, việc sử dụng vũ khí của người chỉ huy, người lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan đơn vị được trang bị vũ khí, bổ sung các quy định về khu vực cấm mang theo vũ khí như trường học, công sở, bệnh viện. Đối với cả người có giấy phép sử dụng vũ khí khi không có sự đồng ý của cơ quan đơn vị đó và cơ quan có thẩm quyền, những nơi cấm mang vũ khí vào thì có biển cảnh báo và có nơi lưu giữ an toàn tuyệt đối theo quy định.
Tuy nhiên, ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) tán thành phương án 2 của dự thảo luật. Theo ĐB Vũ Xuân Hùng, thực tiễn hiện nay chúng ta chưa có doanh nghiệp ngoài quân đội nghiên cứu chế tạo, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí bởi vì vũ khí là mặt hàng có tính đặc thù cao. Việc quản lý, sản xuất kinh doanh là rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia. Do vậy, giới hạn phạm vi sản xuất kinh doanh càng hẹp thì càng dễ kiểm soát và tính bảo mật càng cao.
“Theo tôi không nên thị trường hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng có tính đặc thù này.Hoạt động này chỉ nên giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh như hiện nay đang thực hiện là khá hiệu quả”, ĐB Vũ Xuân Hùng đề xuất.
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) phát biểu tại Hội trường.
Ở khía cạnh khác, ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng quy định sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ (VKTSVLN) ở Điều 32 và Điều 42 của dự thảo Luật, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra chưa nghiên cứu việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ ở mục đích văn hóa.
“Chúng ta mới quan niệm sử dụng VKTSVLN khi thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, chứ chưa xét đến tính văn hóa. Cử tri nhiều địa phương không tán thành quy định này và chúng tôi đề nghị Quốc hội nghiêm túc xem xét”, ĐB Giàng A Chu nói.
Dẫn chứng trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số hiên nay còn dùng tiếng nổ trong sinh hoạt văn hóa. Chẳng hạn như là người chết, đặc biệt là người có uy tín, chức sắc một chút thì khi có đám hiếu hoặc có tiệc lớn là người ta dùng tiếng súng để báo, ĐB Giàng A Chu cho rằng nếu quy định như trong luật, sau khi luật có hiệu lực thi hành, những người sử dụng vũ khí thô sơ vào sinh hoạt văn hóa đều là vi phạm pháp luật.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho hay, đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất băn khoăn khi coi việc sử dụng vũ khí thô sơ được cho là vi phạm pháp luật, do đó đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc khi quy định nội dung này./.
Ý kiến ()