Cần quan tâm xây dựng chợ
LSO-Đã nhiều năm nay, trên Quốc lộ 4B đoạn đi qua thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình thường xuyên diễn ra tình trạng bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông. Mặc dù chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa, nghiêm cấm việc lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, nhưng sau mỗi lần ra quân thì tình trạng trên lại đâu vào đấy …
Hoạt động mua bán hàng trên lề Quốc lộ 4B bên cạnh chợ xép khu Mỏ |
Na Dương là thị trấn công nghiệp của huyện Lộc Bình, hiện nay, thị trấn có gần 2.100 hộ dân với khoảng 9.000 nhân khẩu. Chính vì vậy, nhu cầu có chợ để người dân đến mua bán, trao đổi hàng hoá rất thiết thực. Tuy nhiên, địa phương lại chưa đáp ứng được, dẫn đến tình trạng hằng ngày nhiều người dân đã lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi bán hàng.
Đáng chú ý nhất là vào hôm chợ phiên (ngày 4 và ngày 9 âm lịch), dọc quốc lộ 4B và đoạn tiếp giáp đầu tỉnh lộ 237D thuộc khu dân cư Sơn Hà, cảnh buôn bán ở đây diễn ra nhộn nhịp. Theo quan sát, người bán và hàng hóa thì trên vỉa hè, còn lòng lề đường là để dựng xe máy, xe đạp của người mua, nên đến giờ cao điểm họp chợ là người và xe chiếm 1/2 mặt đường; thậm chí còn có cả xe ô tô chở hàng hóa nông sản, nhu yếu phẩm đến đỗ và bán ngay trên vỉa hè. Chị Đinh Thị Linh, ở xã Tú Mịch và chị Hoàng Thị Thông ở xã Quan Bản, là người dân bày bán hàng thực phẩm và nông sản trên lề đường chia sẻ: “Biết là ngồi bán hàng thế này nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông nhưng trong chợ không còn chỗ nên đành ra đây ngồi bán…”.
Ông Bùi Văn Khiêm, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Na Dương cho biết: Thị trấn có Đội quản lý trật tự đô thị thường xuyên kiểm tra, xử lý việc buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để lập lại trật tự giao thông trên địa bàn. Nhưng chỉ được thời gian ngắn đâu lại vào đấy, bởi khu vực này rất đông dân cư và phương tiện giao thông qua lại. Ngoài ra, còn có hàng nghìn người dân ở các xã quanh vùng như: Đông Quan, Lợi Bác, Sàn Viên, Quan Bản và nhiều nơi khác cũng đến họp chợ. Do đó, nhu cầu tiêu dùng, mua bán, trao đổi hàng hoá rất lớn, nhất là nông sản, thực phẩm tươi sống và hàng thiết yếu đồ dùng gia đình.
Hiện nay, thị trấn Na Dương đã có 2 chợ (gồm chợ chính và chợ xép). Trong đó, chợ chính nằm ở thôn Na Dương 2, với diện tích 4.700 m2; còn chợ xép ở gần khu Mỏ, với diện tích 1.200 m2; tổng cộng cả 2 chợ có khoảng 500 tiểu thương đến buôn bán cố định hoặc không cố định. Toàn bộ hạ tầng hai chợ này đều là nhà tạm, các quầy hàng chủ yếu được dựng bằng cột tre, gỗ, mái lợp Fibro xi măng, nền đất chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu nhân dân đến họp chợ. Điều đáng quan tâm là trong cả hai chợ không có hệ thống điện, hệ thống thoát nước, khu vệ sinh công cộng và nơi tập trung rác thải nên quá trình hoạt động của chợ Na Dương trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường dân sinh.
Có thể thấy, việc họp chợ nói trên là vi phạm hành lang bảo vệ đường bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do vậy, trong điều kiện của một thị trấn năng động về kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh như Na Dương, thì việc quy hoạch, xây dựng chợ Na Dương là cần thiết. Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết: “Thực trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi bán hàng ở thị trấn Na Dương là nỗi trăn trở của huyện trong nhiều năm qua. UBND huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân để giải tỏa khu vực này nhưng sau khi giải tỏa được một thời gian ngắn lại tái hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là cơ sở hạ tầng của chợ không đáp ứng được nhu cầu về chỗ kinh doanh, mua bán cho bà con nhân dân”.
Được biết, UBND huyện Lộc Bình đang trình tỉnh đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng kêu gọi nhà đầu tư xây dựng chợ thị trấn Na Dương. Vì vậy, rất mong cấp trên và các ngành chức năng quan tâm, đầu tư xây dựng chợ Na Dương, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và cũng là động lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
THẾ BẢO
Ý kiến ()