Cần quan tâm vệ sinh môi trường tại cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam
LSO-Những năm gần đây, cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao. Hàng hóa qua 2 cửa khẩu này chủ yếu là hàng đông lạnh, hoa quả tươi, nông sản… Lượng xe chở hàng hóa qua lại lớn, cộng với một số dự án đang đầu tư đã gây phát sinh nhiều rác thải tại khu vực cửa khẩu.
Rác thải bữa bãi dọc đường vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh |
Trong thời gia do xe chở hàng hoa quả tươi chở lên khu vực cửa khẩu với số lượng lớn nên đã xảy ra tình trạng ách tắc, nhiều xe phải nằm lại cửa khẩu qua ngày, vì thế đã phát sinh nhiều loại rác như: vỏ hộp đựng thức ăn, túi ni lông, giấy ăn, vỏ hoa quả… vứt bừa bãi ở trong khu vực cửa khẩu.
Cụ thể như tại cửa khẩu Tân Thanh, có thời điểm rác thải được các chủ hàng, lái xe xả dọc tuyến đường vào khu vực cửa khẩu. Cùng đó, khu vực xung quanh chợ Tân Thanh cũng không đỡ bao nhiêu, mặc dù quanh chợ có rất nhiều thùng rác, nhưng do ý thức người dân, người bán hàng tại đây kém nên họ đều vứt rác ra đường.
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Tiến Hòa, đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác thải tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam cho biết: Tại cửa khẩu Tân Thanh, trung bình mỗi tháng, lượng rác thải thu gom được từ 750 – 800 m3. Số lượng này còn tăng cao hơn vào những thời điểm hàng hóa thông quan chậm, ách tắc. Có những thời điểm công ty phải cho công nhân làm cả đêm mà không xuể. Chỉ tính riêng trong khu vực cửa khẩu đã có hàng trăm thùng đựng rác được đặt ở nhiều điểm, nhưng do ý thức của các chủ hàng, lái xe, người buôn bán và cả cư dân tại khu vực cửa khẩu quá kém, họ xả rác bữa bãi ra đường.
Vào thời điểm này, “mục sở thị” từ đầu tuyến đường đôi dẫn vào cửa khẩu Tân Thanh mới thấy khó khăn mà ông Nguyễn Tiến Hòa nêu ra. Những túi ni lông, hộp xốp, giẻ chèn hàng, rác thải sinh hoạt… được xả tự do. Đó là chưa kể những xe chở hoa quả tươi do chất lượng hàng không đảm bảo, nên nhiều xe phải chở quay đầu, và để đỡ tốn công, nhiều chủ hàng đã tìm cách bỏ lại khu vực cửa khẩu.
Tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam cũng vậy, mặc dù diện tích nhỏ hơn cửa khẩu Tân Thanh, nhưng do đặc thù của cửa khẩu này là hàng hóa phải sang tải trước khi xuất khẩu, do vậy tình trạng rác thải như: hộp xốp, vải chèn hàng, hàng nông sản rơi vãi… ngập trong cửa khẩu. Được biết, lượng rác thải mỗi tháng tại cửa khẩu Cốc Nam ít hơn cửa khẩu Tân Thanh nhưng cũng lên tới 200 – 250 m3.
Ông Lý Văn Khi, Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh – Cốc Nam cho biết: Chi phí mỗi năm dành cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại 2 cửa khẩu này vào khoảng 4 tỷ đồng. Hiện trung tâm cũng đã hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Tiến Hòa chuyên về thu gom, vận chuyển. Tuy vậy, vào thời điểm lượng xe ra vào cửa khẩu quá lớn, việc thu gom rác sẽ gặp khó khăn.
Để các cửa khẩu trên địa bàn phong quang, sạch đẹp, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thường xuyên hơn nữa. Cùng đó, cần tuyên truyền cho người buôn bán, cư dân trong khu vực cửa khẩu về nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()