Cần quan tâm phòng, chống cháy rừng khu vực núi đá
– Trong 3 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, trong đó 4 vụ xảy ra tại các khu vực rừng núi đá, là nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn trong công tác chữa cháy, để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, ngành chức năng cần có sự quan tâm cho công tác phòng cháy tại các khu vực này.
Giữa tháng 1/2021, tại khu rừng Lùng Mòn thuộc 2 thôn: Còn Chuông và Phai Làng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan xảy ra vụ cháy hơn 2,7 ha rừng. Vụ cháy gây thiệt hại 1.097 cây Hồi và một số loại cây khác với tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Quan cho biết, nguyên nhân là do ông Triệu Văn Du, trú tại thôn Phai Làng, xã Tràng Phái đốt cỏ vườn gây cháy lan lên rừng núi đá gần đó.
Toàn cảnh một vụ cháy trên rừng núi đá tại huyện Văn Quan vào giữa tháng 1/2021
Hay tại Bắc Sơn, ngày 13/1/2021, xảy ra 2 vụ cháy rừng núi đá tại khu vực thị trấn Bắc Sơn và xã Vũ Sơn, gây thiệt hại 1,34 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt, những vẫn phải “bó tay” vì không tiếp cận được khu vực cháy. Văn Quan và Bắc Sơn là 2 huyện không xảy ra cháy rừng trong nhiều năm qua, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 4 vụ, đều tại các khu vực núi đá, gây thiệt hại hơn 4 ha rừng.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích rừng toàn tỉnh hiện nay khoảng 550.000 ha, trong đó, rừng tại các khu vực núi đá gần 60.000 ha, tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn… Các khu vực núi đá này hiện còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh, và chân núi là nơi trồng nhiều loại cây ăn quả như: na, bưởi, quýt của bà con. Nếu để xảy ra cháy, có thể ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái rừng và kinh tế của người dân.
Ông Nguyễn Cao Sơn, cán bộ Phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong điều kiện thời tiết hanh khô, sức gió lớn, khi xảy ra cháy rừng tại khu vực núi đá là rất nguy hiểm và thường thiệt hại lớn, vì rất khó tiếp cận hiện trường để dập lửa. Trong hơn 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy rừng, trong đó có 4 vụ xảy ra tại các khu vực núi đá, địa hình hiểm trở khiến lực lượng chức năng không dập tắt nhanh được, chỉ có thể lập chốt canh giữ trong nhiều ngày đêm, tránh gây thiệt hại trên diện rộng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện và các lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng xã Lương Năng, huyện Văn Quan tuần tra trên khu vực rừng núi đá
Trước tình trạng cháy rừng có diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng cháy nói chung và chú trọng phòng cháy rừng tại khu vực núi đá nói riêng. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Rừng núi đá có nhiều loại cây bụi dễ bắt lửa, và đặc biệt là khó dập tắt do yếu tố địa hình. Tuy có trữ lượng rừng không cao, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cháy lan ra các loại rừng khác và khu vực trồng cây ăn quả của bà con. Do đó, chúng tôi đã chỉ đạo phòng chuyên môn, đội phòng cháy chữa cháy rừng và hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn tham mưu cho chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng và dự báo nguy cơ cháy rừng…
Phòng, chống cháy rừng không chỉ để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn để bảo vệ tài sản cho chính người dân. Do đó, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, rất cần người dân có ý thức và chủ động hơn trong công tác này, nhất là với những khu vực có nguy cơ cháy cao, hoặc khó chữa cháy như rừng núi đá.
Ý kiến ()