Cần quan tâm nhân lực và hạ tầng kỹ thuật
LSO-Thời gian qua, tại Lạng Sơn, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý nhà nước đặc biệt là công tác cải cách hành chính (CCHC) được quan tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước hiện trạng nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư còn hạn chế; hạ tầng CNTT có phần xuống cấp thì thời gian tới cần tạo bước đột phá hơn.
Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc giải quyết công việc hành chính trên phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin |
Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật CNTT trong toàn tỉnh cơ bản được đảm bảo. Cụ thể, tỷ lệ số máy tính/số cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính trong tỉnh đạt trên 90%. Các cơ quan đều có kết nối Internet tốc độ cao, có hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Từ năm 2008 đến nay, việc ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử (e-Office), thư điện tử, trang thông tin điện tử tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh được ứng dụng rộng rãi. Đến thời điểm này, phần mềm e-Office đã được trang bị đến 36 cơ quan, đơn vị hành chính và mở rộng đến 225/226 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã cấp trên 3.000 hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức. Ngoài ra, cổng thông tin điện tử của tỉnh và website của các sở, ngành, huyện, thành phố hoạt động tương đối ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được các đơn vị quản lý, duy trì hoạt động đảm bảo đáp ứng các cuộc họp trực tuyến từ trung ương đến tỉnh, huyện. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 32 sở, ngành, huyện, thành phố được cấp chứng thư số và đã ứng dụng trong xác thực văn bản điện tử, góp phần giảm thời gian xử lý văn bản trên hệ thống
Ông Nông Phương Đông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn khẳng định: CNTT đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và CCHC. Qua đó giúp cho nền hành chính của tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại hơn và bắt nhịp được với xu thế phát triển của đất nước, thế giới. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả hơn cần tạo bước đột phá hơn nữa. Hai nội dung chính cần làm là bổ sung đội ngũ nhân lực và đầu từ hạ tầng kỹ thuật CNTT.
Về đội ngũ nhân lực làm CNTT của tỉnh, hiện tại mới chỉ có 20% cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ kiêm nhiệm CNTT, 80% đơn vị còn lại không có cán bộ CNTT. Điều này thể hiện nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh còn thiếu về số lượng và chất lượng, dẫn đến hạn chế trong công tác ứng dụng và phát triển CNTT. Trong năm 2016, một số cơ quan, đơn vị như sở: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… cũng đề nghị bổ sung biên chế công chức chuyên trách về CNTT.
Về hạ tầng kỹ thuật, hằng năm, tỉnh có bố trí ngân sách, đồng thời chỉ đạo các đơn vị huy động kinh phí từ nhiều nguồn để trang bị và sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị CNTT. Tuy nhiên, một số dự án phát triển CNTT còn đầu tư nhỏ lẻ; việc nâng cấp hạ tầng CNTT như máy chủ, máy trạm, các thiết bị an toàn và an ninh thông tin chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến tình trạng gần ½ máy tính ở các cơ quan, đơn vị đã xuống cấp, cấu hình thấp gây khó khăn cho việc ứng dụng các phần mềm công nghệ. Máy chủ tại một số cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu sử dụng như ở các sở: Ngoại vụ, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, UBND huyện Bắc Sơn…
Ông Hoàng Minh Tuyền, Phó Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: Để tạo đột phá trong ứng dụng CCNT cần sự quan tâm của tỉnh và các cơ quan, đơn vị hành chính. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách phát triển hơn nữa nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT. Các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ứng dụng phát triển CNTT trong nội bộ đơn vị; bổ sung các văn bản, quy chế còn thiếu trong công tác phát triển, ứng dụng CNTT; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CNTT và trang bị các phần mềm chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay.
HÀ MY
Ý kiến ()