LSO-Trong những năm gần đây, nhờ có thu nhập từ cây quế, bộ mặt của xã vùng cao Đoàn Kết, huyện Tràng Định đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, để cây quế thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, từng bước xóa được đói, giảm được nghèo, người dân có thể làm giàu từ việc trồng quế thì cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban ngành chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa đến chất lượng cây quế.Ông Lương Thế Đồ, Chủ tịch UBND xã tâm sự: cây quế đã được trồng ở Đoàn Kết cách đây 3 đời, hiện trong xã vẫn còn nhiều cây có tuổi thọ từ 50-60 tuổi do cha ông để lại. Tuy nhiên, lúc bấy giờ quế chưa trở thành hàng hóa, vài hộ dân trồng quế chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 1985, có tư thương đến Đoàn Kết thu mua vỏ quế khô và phong trào trồng quế bắt đầu phát triển. Đến năm 1990, đã có hộ thu được vài chục triệu đồng từ...
LSO-Trong những năm gần đây, nhờ có thu nhập từ cây quế, bộ mặt của xã vùng cao Đoàn Kết, huyện Tràng Định đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, để cây quế thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, từng bước xóa được đói, giảm được nghèo, người dân có thể làm giàu từ việc trồng quế thì cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ban ngành chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa đến chất lượng cây quế.
Ông Lương Thế Đồ, Chủ tịch UBND xã tâm sự: cây quế đã được trồng ở Đoàn Kết cách đây 3 đời, hiện trong xã vẫn còn nhiều cây có tuổi thọ từ 50-60 tuổi do cha ông để lại. Tuy nhiên, lúc bấy giờ quế chưa trở thành hàng hóa, vài hộ dân trồng quế chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 1985, có tư thương đến Đoàn Kết thu mua vỏ quế khô và phong trào trồng quế bắt đầu phát triển. Đến năm 1990, đã có hộ thu được vài chục triệu đồng từ cây quế, giá quế ở thời điểm này khá cao, trên 30.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi và phong trào trồng quế thực sự đã phát triển mạnh. Từ những rừng quế xanh ngút ngàn, nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo, mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, trang bị được những vật dụng sinh hoạt có giá trị trong gia đình – điều mà lâu nay những người dân vốn rất nghèo khó ở nơi đây luôn mong ước, bởi nếu không có thu nhập từ cây quế, đời sống của họ rất cơ cực, quanh năm lam lũ nhưng cũng chỉ tạm đủ ăn. Thấy được hiệu quả thiết thực từ cây quế mang lại, đến nay cả 8/8 thôn, bản của xã đều trồng quế, toàn xã hiện đã trồng được trên 80 ha quế.
|
Rừng quế xanh ngút ngàn ở xã Đoàn Kết |
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cây trồng khác, điều mà bà con lo ngại nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Trong thực tế, chỉ khi có tư thương vào thu mua, người dân mới bán được vỏ quế. Còn nếu không có tư thương vào thu mua, người dân không biết đem quế đi đâu tiêu thụ. Và từ khi quế trở thành hàng hóa đến nay, cũng đã có thời điểm vài năm mới có tư thương vào mua. Giá vỏ quế thì thất thường do tư thương tự áp đặt, thời điểm được giá, trên 30.000 đồng đến gần 40.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm giá rất thấp, 1kg vỏ quế đã phơi khô chỉ được trên 10.000 đồng. Hiện nay, giá quế chỉ còn 11.000-13.000 đồng/kg. Một cây quế phải trồng 10 năm mới cho thu hoạch và chỉ được thu hoạch 1 lần, vì vậy, 1 kg chỉ có giá trên 10.000 đồng là quá thấp. Bên cạnh đó, từ xưa đến nay, người dân chỉ trồng quế theo kinh nghiệm truyền lại, chứ chưa theo một quy trình nào cả. Vài năm trở lại đây, trên rừng quế của một số hộ gia đình đã lác đác xuất hiện sâu đục thân làm cây bị chết, một số loại sâu khác ăn vỏ cây làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quế mà người dân chưa biết làm cách nào khắc phục. Anh Hoàng Văn Quân, thôn Nà Ún cho biết: gia đình trồng được 2 ha quế, nhờ có thu nhập từ quế mà gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, con cái được chăm sóc, học hành chu đáo. Trồng quế rất đơn giản, chỉ việc lấy hạt, ươm rồi trồng. Tuy nhiên, sau khi trồng, mọi người đều chưa biết cách chăm sóc, chỉ đợi 10 năm sau rồi thu hoạch, vì vậy năng suất rất thấp, 1 cây quế sau 10 năm chỉ thu được 3-4kg vỏ quế đã phơi khô.
Trước thực tế trên, để cây quế thực sự trở thành cây trồng đặc sản, cây thế mạnh của Đoàn Kết, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng cần đến tận nơi nghiên cứu, tìm ra biện pháp phòng trừ sâu bệnh hữu hiệu, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ KHKT nhằm tăng năng suất, chất lượng quế. Cùng với đó, cần tìm đầu ra ổn định cho cây quế, tránh để tình trạng tư thương tự áp đặt giá như hiện nay, có như vậy, cây quế mới thực sự đem lại những đổi thay bền vững ở xã vùng sâu, vùng xa này.
Đức Anh
Ý kiến ()