Cần quan tâm khai thác phát triển du lịch ở Lũng Slàng
– Thôn Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng về văn hóa, ẩm thực của người dân tộc Dao huyện Tràng Định. Những đặc trưng này là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) ở đây. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng ở thôn thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân.
Xã Tri Phương, huyện Tràng Định là xã có nhiều di tích lịch sử cũng như địa điểm du lịch trên địa bàn huyện Tràng Định. Xã có 9 thôn bản, trong đó, duy nhất thôn Lũng Slàng có 100% dân số là người dân tộc Dao đỏ. Thôn nằm cách thị trấn Thất Khê khoảng 15 km. Lũng Slàng có địa hình “lòng chảo”, có rừng cây, thảm cỏ xanh rì, ruộng bậc thang đẹp mắt, khí hậu trong lành và mát mẻ… Hơn hết chính là những giá trị văn hóa của người dân tộc Dao đỏ vẫn được gìn giữ và phát huy.
Trẻ em Lũng Slàng vui chơi sau giờ học (ảnh chụp trước tháng 4/2021)
Ông Triệu Văn Phú, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Slàng cho biết: Thôn có 37 hộ với 182 người dân tộc Dao. Hiện tại, người dân trong thôn vẫn duy trì, gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt như: ở nhà mái ngói, nói tiếng dân tộc, tự tăng gia sản xuất, nấu rượu ngô truyền thống, may thêu trang phục, đan lát, làm thịt treo gác bếp và các món ăn dân tộc… Đến Lũng Slàng, khách tham quan có thể trải nghiệm cuộc sống, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân và tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc trưng của người Dao.
Tiềm năng là như vậy nhưng những năm qua, Lũng Slàng chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển du lịch. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Tràng Định đã có sự quan tâm nhằm thúc đẩy phát triển ở Lũng Slàng. Cụ thể, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá địa điểm du lịch thôn Lũng Slàng tại các kênh thông tin ở huyện; khuyến khích người dân nơi đây tham gia phát triển du lịch. Tuy nhiên về đầu tư hạ tầng ở thôn vẫn còn hạn chế. Hiện con đường từ xã vào trung tâm thôn dài 2 km vẫn là đường dân sinh nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe máy lưu thông, gây khó khăn trong đi lại cho người đến tham quan. Về phía người dân, việc sản xuất còn mang tính tự phát, chủ yếu theo hướng tự cung tự cấp chứ chưa mang tính hàng hóa, phục vụ phát triển du lịch, vì thế đời sống người dân chủ yếu có mức sống ổn định. Hiện toàn thôn còn 3 hộ nghèo/37 hộ dân…
Từ thực tế trên có thể thấy: tiềm năng ở Lũng Slàng chưa thực sự được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch nên còn ít người biết đến nơi đây. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Slàng cho biết thêm: Những năm gần đây, việc thu hút khách du lịch còn nhiều hạn chế, mỗi năm, thôn chỉ đón khoảng 30 đến 50 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Hoàng Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Lũng Slàng có nhiều tiềm năng phát triển DLCĐ. Cấp ủy, chính quyền xã rất mong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm đẩy mạnh phát triển DLCĐ ở nơi đây, đặc biệt là đầu tư nâng cấp đường ô tô vào được trung tâm thôn để thu hút khách tham quan. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân hưởng ứng, tham gia phát triển DLCĐ bằng việc bảo vệ môi trường, tích cực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…
Qua tìm hiều, chúng tôi được biết: Thời gian gần đây, cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang có những chương trình, kế hoạch cụ thể để tham mưu cấp có thẩm quyền, ngành chức năng quan tâm phát triển du lịch ở Lũng Slàng.
Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Lũng Slàng có những tiềm năng phù hợp với phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về Lũng Slàng; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại thôn để xứng tầm với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng. Về phía phòng, sẽ phối hợp với chính quyền xã Tri Phương tích cực tuyên truyền người dân bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Dao đỏ…
Ý kiến ()