Cần quan tâm khai thác du lịch khảo cổ
LSO-Đã từ lâu, Lạng Sơn được biết đến là vùng đất có nhiều phát hiện quý giá về khảo cổ học. Tuy nhiên, những phát hiện đó chỉ được giới nghiên cứu, các nhà khoa học biết đến, chưa phát huy được nhiều giá trị để phục vụ du lịch. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng cần có những giải pháp nhằm khai thác, phát huy tiềm năng du lịch khảo cổ, góp phần làm phong phú hơn các loại hình du lịch của tỉnh.
Di tích khảo cổ học Phia Điểm, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc
Ngày 24/3/2020, chúng tôi có mặt tại di chỉ khảo cổ học Phia Điểm, thôn Kéo Khoác, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Nếu không có dòng chữ “Di tích khảo cổ Quốc gia hang Phia Điểm” treo trên vách núi thì khó có thể nhận ra đây là di tích Quốc gia. Cửa hang đã bị thời gian bao phủ không có lối vào. Qua tìm hiểu từ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc, chúng tôi được biết: Năm 2019, di tích này đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đo đạc, đầu tư một số hạng mục như bảng chú thích, đường vào,… Tuy nhiên, hiện nay di tích vẫn chưa được đưa vào khai thác thành điểm du lịch thu hút khách tham quan. Chị Hoàng Thị T, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc bày tỏ: Là một người sinh sống trên địa bàn có di tích Quốc gia, tôi rất tự hào. Bản thân tôi rất mong muốn nhà nước quan tâm giới thiệu để nhiều du khách biết đến di tích quý giá này hơn nữa.
Theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (kèm theo Quyết định số 73/QĐ-UBND, ngày 10/1/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh), toàn tỉnh hiện có 37 di tích khảo cổ học tại 11 huyện, thành phố, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh. Một số điểm đã được công nhận di tích cấp quốc gia như: di chỉ Phai Vệ (thành phố Lạng Sơn), di chỉ Phia Điểm (huyện Cao Lộc), di chỉ hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia),… Đây là những di tích phản ánh sự có mặt và cư trú từ rất sớm của loài người ở mảnh đất Lạng Sơn.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều việc làm thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học như khoanh vùng, cắm biển di tích tại các di chỉ khảo cổ học, tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch, quan tâm, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ, các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực du lịch tại tỉnh Lạng Sơn tìm hiểu, nghiên cứu về du lịch khảo cổ học Lạng Sơn…
Cụ thể, năm 2019, sở đã giao cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành điều tra khảo cổ học tại các di chỉ: hang Ốc, hang Đồng Hang (huyện Hữu Lũng). Đầu tháng 3/2020, sở tiếp tục giao cho Bảo tàng tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho Trung tâm Nhiệt đới Nga – Việt tiến hành khảo sát cổ sinh vật tại hang Thẩm Hai, Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia)… Tuy nhiên, hiện nay, các di tích vẫn chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để đưa vào khai thác du lịch, dẫn tới một số di tích đã rơi vào tình trạng hoang hóa như: di chỉ Mai Pha (thành phố Lạng Sơn), di chỉ hang Kéo Lèng (huyện Bình Gia)…
Các di tích khảo cổ hiện nay trên địa bàn tỉnh là một trong những nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, vô giá mà tổ tiên để lại cho thế hệ hôm nay. Việc bảo tồn và phát huy chúng gắn với du lịch là xu hướng đúng đắn phát triển du lịch thời kỳ mở cửa và hội nhập của một tỉnh nơi biên viễn của Tổ quốc. Tuy vậy, việc khai thác, sử dụng phục vụ du lịch cần được tính toán thận trọng và cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản di tích khảo cổ học. Bởi lẽ, những địa điểm khảo cổ học thường là những cấu trúc từng bị hoang phế được khôi phục, đây là nguồn văn hóa mong manh và không tái sinh được.
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường nghiên cứu, lập các dự án quy hoạch phát triển du lịch, du lịch khảo cổ học đảm bảo phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và quy hoạch ngành. Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh làm rõ các giá trị của di tích. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch khảo cổ học.
Ý kiến ()