Cần quan tâm đầu tư, duy tu trụ chữa cháy
Cảnh sát PCCC&CNCH của tỉnh kiểm tra trụ cấp nước tại khu tái định cư Mai Pha, thành phố Lạng Sơn
– Hiện toàn tỉnh có 109 trụ chữa cháy, trong đó, có 87 trụ đảm bảo lưu lượng nước phục vụ cứu hỏa, 22 trụ không đảm bảo (có15 trụ không có nước, 6 trụ không đủ lưu lượng nước, 1 trụ khiến xe chữa cháy khó tiếp cận)… Các trụ cấp nước không đảm bảo yêu cầu chính là một khó khăn lớn đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi thực hiện cứu hỏa.
Trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), các trụ chữa cháy chính là thiết bị chuyên dụng được lắp đặt để cấp nước, giúp lực lượng chức năng chữa cháy một cách kịp thời, nhanh chóng. Là thiết bị quan trọng nhưng hiện nay, số lượng và chất lượng trụ chữa cháy trên địa bàn tỉnh đều chưa đảm bảo cho công tác PCCC.
Cụ thể: một số trụ được đưa vào sử dụng lâu năm (từ năm 1993) nên đều đã cũ, bị gỉ, mất nắp, hỏng van, bạc màu, bị bong tróc lớp sơn đỏ; hầu hết các nắp trụ không có lớp sơn phản quang màu vàng, trời tối khó nhận biết. Số lượng các trụ chữa cháy trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng thiếu rất nhiều. Trung tá Bùi Huy Khánh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh cho biết: Nếu chiếu theo quy chuẩn PCCC TCVN 2622:1995 thì cứ cách 150 m hè phố phải có một trụ cấp nước chữa cháy, như vậy, địa bàn tỉnh sẽ còn thiếu rất nhiều trụ chữa cháy. Tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy, 100% các khu vực đông dân cư, khu đô thị trên toàn tỉnh đều chưa đảm bảo số lượng các trụ chữa cháy. Đơn cử như tại thị trấn Bình Gia (huyện Bình Gia); thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc) hiện không có trụ chữa cháy nào.
Nguyên nhân khiến các trụ nước chưa được đầu tư về chất và lượng là do hạn hẹp về nguồn kinh phí. Theo Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA ngày 10/04/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an, đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư các thiết bị thuộc hệ thống cấp nước, các hệ thống cấp nước được tính vào tổng mức đầu tư để xác định giá nước sạch. Tuy nhiên, để giảm chi phí sử dụng nước sạch sinh hoạt cho người dân, Lạng Sơn chưa áp dụng quy định này nên kinh phí đầu tư, bảo dưỡng,lắp đặt mới các trụ bơm nước còn hạn hẹp.
Cùng đó, do sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, vận hành và doanh nghiệp thi công các công trình tại khu dân cư chưa thực sự chặt chẽ. Một số trụ chữa cháy đã hoàn thành lắp đặt nhưng chưa bàn giao lại cho đơn vị quản lý, khiến cho các trụ chưa được đưa vào sử dụng. Cùng đó, địa hình miền núi của tỉnh với nhiều trụ nước cách xa trạm bơm nước hoặc ở vị trí trên cao dẫn đến không có nước hoặc lượng nước không đủ cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác PCCC. Hơn cả là ý thức chấp hành quy định pháp luật của một số người dân chưa cao, tại một số khu vực chợ, người dân tổ chức bày bán hàng hóa, để vật liệu che chắn gây hư hỏng trụ chữa cháy.
Ông N.V.T, người dân khu Thống Nhất I, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Tôi thấy trụ nước tại đường Cai Kinh, thị trấn Đồng Mỏ bị che khuất do một số người dân bày bán hàng nước, hoa quả, biển quảng cáo. Nếu chẳng may xảy ra sự cố, tôi nghĩ việc che khuất trụ chữa cháy sẽ khiến lực lượng cứu hoả khó tiếp cận.
Để giải quyết thực trạng trên, các đơn vị liên quan đã có một số giải pháp như Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng các trụ cấp nước. Ông Dương Hữu Thức, Trưởng Phòng Kế hoạch, công ty cho biết: Đối với các trụ bị hỏng, đơn vị đã tiến hành rà soát, xây dựng các phương án cải tạo, duy tu. Cùng đó, chúng tôi đãlên kế hoạchđề xuất Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh thẩm địnhđể năm 2022 cấp kinh phí lắp bổ sung 34 trụ nước trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, thị trấn Bình Gia và thị trấn Cao Lộc…
Về phía Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường kiểm tra ít nhất 2 lần/năm, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước; đôn đốc các đơn vị quản lý có phương án tu sửa kịp thời các trụ đã xuống cấp.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những hạn chế còn tồn tại, thiết nghĩ thời gian tới, các đơn vị liên quan cần có thêm nhiều giải pháp để nâng chất và lượng các trụ chữa cháy. Đơn vị quản lý, vận hành cần dành thêm nguồn kinh phí cho các hoạt động duy tu, nâng cấp, lắp mới các trụ chữa cháy; đốc thúc đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành hạng mục và bàn giao lại cho đơn vị quản lý; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đồng thời, có biện pháp xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại các trụ cấp nước… Từ đó, tạo được thuận lợi cho công tác PCCC&CNCH, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố
Ý kiến ()