Cần quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khoa học
LSO-Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những hợp chất độc có nguồn gốc tự nhiên hoặc được tổng hợp từ các chất hóa học, dùng để phòng, trừ dịch hại trên cây trồng, điều hòa sinh trưởng thực vật, xua đuổi hoặc thu hút các loại sinh vật gây hại trên thực vật đến để tiêu diệt. Có thể nói, thuốc BVTV góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và sử dụng thuốc BVTV, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh phần do chủ quan, phần do chưa nắm rõ quy trình nên đã gây ảnh hưởng đến môi trường.
Kiểm tra sâu bệnh rau tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn |
Hiện nay, việc đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao vào sản xuất là điều tất yếu. Tuy nhiên, do thời tiết và môi trường thường xuyên biến đổi nên để đảm bảo cây trồng phát triển tốt, bà con nông dân sẽ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn để khống chế sâu bệnh hại, bảo vệ cây trồng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay diện tích gieo trồng các nhóm cây trồng chính (cây lương thực, cây công nghiệp, cây rau, cây ăn quả…) toàn tỉnh có khoảng 100 nghìn ha, trong đó có trên 50 nghìn ha trồng lúa, trên 20 nghìn ha trồng ngô, 813 ha cây chè và gần 6.000 ha cây ăn quả. Với diện tích cây trồng này, trung bình mỗi năm, lượng thuốc BVTV dùng để bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh hại vào khoảng 25 – 30 nghìn tấn. Trong số lượng này thì phần lớn là thuốc trừ sâu, thuốc điều hòa sinh trưởng, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng… Không phủ nhận tác dụng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng trên thực tế, việc người nông dân sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật, không đúng quy trình… đã gây ảnh hưởng đến môi trường sản xuất và môi trường sống.
Qua điều tra, khảo sát, hiện tại, lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng cũng như tồn dư ngoài môi trường chiếm khoảng 20%. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về các giải pháp có tính khoa học, hợp lý nhằm quản lý thuốc BVTV. Và để giải “bài toán” này, phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT đã nghiên cứu đề tài khoa học về cách quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Việc sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản, ngược lại sẽ gây hậu quả rất khó lường. Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi và môi trường sống, đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó.
Theo đó, hiện tại, các cán bộ phòng Trồng trọt đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”. Đó là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách. Cụ thể, sử dụng đúng thuốc thì bà con nên chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ, ít độc hại với người, môi trường và thiên nhiên. Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, thuốc đã bị cấm sử dụng, thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng. Đúng lúc là nên sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ. Đúng liều lượng và nồng độ là cần dùng cho một đơn vị diện tích và độ pha loãng của thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Việc tăng, giảm liều lượng và nồng độ không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại, và đúng cách là cần phun rải đều và chú ý những nơi sâu, bệnh tập trung nhiều. Thuốc dùng để rải xuống đất không hòa nước để phun, với thuốc trừ cỏ không nên phun trùng lặp.
Ngoài “4 đúng”, phòng Trồng trọt thuộc Sở NN&PTNT định hướng cho người nông dân nguyên tắc “4 không” trong việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV. Theo đó, bà con không nên sử dụng những loại thuốc quá độc, không sử dụng thuốc lâu phân hủy, không sử dụng các loại thuốc có lượng hoạt chất sử dụng quá cao và không dùng quá liều quy định. Bà Phùng Thị Kim Khánh, cán bộ phòng Trồng trọt – phụ trách về công tác bảo vệ thực vật cho biết: Thuốc BVTV nào cũng độc nhưng mức độ độc thay đổi tùy theo loại thuốc. Ví dụ như khi sử dụng thuốc BVTV trên rau thì không nên dùng các thuốc BVTV nhóm clo, nhóm lân, tuyệt đối không nên dùng thuốc cấp độc I. Cùng đó, thuốc BVTV khi phun vào môi trường sẽ bị phân hủy dần dần do các tác động của mặt trời, hoạt động sinh hóa trong cây trồng, nhiệt độ, vi sinh vật,… cho đến khi hoàn toàn không còn chất độc nữa. Tuy nhiên tốc độ phân hủy nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại thuốc. Ví dụ cũng trên cây rau, bà con nên sử dụng các thuốc nhanh phân hủy như thuốc vi sinh (BT, NPV,…) thảo mộc (Rotenon, Nicotine, Neem,…), cúc tổng hợp (Baythroid, Cyperan, ) để hạn chế dư lượng thuốc BVTV còn lại sau thu hoạch. Không nên dùng các nhóm thuốc thuộc nhóm clo hữu cơ và lân hữu cơ trên rau.
Việc sử dụng thuốc BVTV nếu không đúng cách hoặc người nông dân lạm dụng quá mức thuốc BVTV không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất sản xuất nông nghiệp. Theo đề tài nghiên cứu của các cán bộ phòng Trồng trọt – Sở NN&PTNT, hiện có đến 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm, 43% số hộ nông dân tăng nồng độ phun thuốc gấp đôi so với khuyến cáo. Đa số các hộ không tuân thủ đúng thời gian cách ly. Thậm chí, nhiều nông dân bất chấp sự ảnh hưởng tiêu cực của thuốc đến chất lượng rau màu và nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng, đã tăng liều lượng, tần suất phun, có thể phun thuốc vào bất cứ thời điểm nào nếu phát hiện sâu bệnh.
Thuốc BVTV là một loại vật tư kỹ thuật quan trọng góp phần hạn chế dịch hại, bảo vệ cây trồng, giữ vững và nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, không khoa học sẽ không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, an toàn, hiệu quả cây trồng mà còn tạo sự mất an toàn cho môi trường. Vì vậy, hiểu biết đúng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()