Cần quản lý chặt hàng hóa tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu
LSO-Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu hàng hóa và gửi kho ngoại quan thời gian qua tuy đã thu được một số kết quả nhất định về kinh tế,
LSO-Lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu hàng hóa và gửi kho ngoại quan thời gian qua tuy đã thu được một số kết quả nhất định về kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại cho Lạng Sơn, nhưng do hám lợi, một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định về TNTX, đặc biệt là chuyển khẩu hàng hóa để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, thẩm lậu hàng hóa, kể cả hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa.
Hải quan cửa khẩu Cốc Nam kiểm hóa hàng nhập khẩu |
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ 7/9/2012 đến hết 7 tháng đầu năm 2013, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục TNTX trực tiếp cho 54 doanh nghiệp, kim ngạch của loại hình này là 19.584.948.811 USD. Làm thủ tục chuyển khẩu cho một số mặt hàng thuộc danh mục điều chỉnh của Chỉ thị 23/CT-TTg cho 154 doanh nghiệp, kim ngạch đạt 1.149.994.009 USD. Làm thủ tục cho hàng hóa thông thường TNTX, chuyển khẩu là 456 doanh nghiệp, kim ngạch loại hình này đạt 5.658.207.962 USD. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng hải quan tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện được những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong những lô hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu. Cụ thể, trong tháng 3/2013, theo tờ khai hải quan thì chủ doanh nghiệp kê khai 10 công-te-nơ thực phẩm đông lạnh xuất khẩu qua cửa khẩu Chi Ma, nhưng qua kiểm tra, lực lượng công an và hải quan cửa khẩu Chi Ma đã phát hiện và thu giữ 4 công-te-nơ chân gà đông lạnh không có giấy tờ kiểm dịch cũng như xuất xứ của hàng hóa. Trước đó, cuối năm 2012, lực lượng hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã phát hiện một doanh nghiệp gian lận trong việc xuất hàng TNTX. Theo tờ khai hải quan, đây là công-te-nơ chở hàng TNTX của Công ty TNHH Thương mại Bình Phong ở Hà Nội, hàng hóa gồm áo lót nam, quần tất giấy, xà phòng… có xuất xứ từ Hàn Quốc xuất qua đường cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, trong lúc làm các thủ tục để thông quan thì lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện trong công-te-nơ chứa toàn vải vụn, đá dăm, hoàn toàn không trùng với tờ khai hải quan. Có khả năng hàng trong công-te-nơ đã bị đánh tráo, đánh cắp từ cảng vụ hoặc có dấu hiệu công-te-nơ bị “móc” hàng để tiêu dùng trong nội địa.
Đây chỉ là 2 ví dụ điển hình trong tổng số 18 vụ mà lực lượng hải quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua (tổng trị giá hàng hóa vi phạm lên tới gần 8 tỷ đồng). Ông Trần Bằng Toàn, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: thông thường hàng hóa khi nhập khẩu từ nước ngoài vào lãnh thổ của Việt Nam phải làm thủ tục hải quan ngay tại cửa khẩu biên giới, tuy nhiên để tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu đồng thời tránh trường hợp ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, Nhà nước đã có chủ trương cho phép thành lập các địa điểm thông quan ngoài cửa khẩu ở một số địa phương. Những lô hàng nào khi nhập khẩu không làm thủ tục thông quan ngay tại cửa khẩu, mà được đưa về các địa điểm thông quan này và làm thủ tục hải quan tại đây thì được gọi là hàng chuyển cửa khẩu (đối với hàng xuất khẩu thì trình tự đảo ngược lại). Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế và trên thực tế đã tạo thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, hoạt động tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Điển hình là việc một số đối tượng lợi dụng hình thức này với một số cơ chế quản lý thông thoáng để vận chuyển hàng trái phép xâm nhập nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị, thuế suất cao như thuốc lá điếu, rượu, hàng phụ kiện may mặc, hàng tiêu dùng, thực phẩm đông lạnh…
Tìm hiểu tại một số cửa khẩu như Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị được biết, doanh nghiệp ngày càng có xu hướng “thích” chuyển cửa khẩu, mặc dù có trường hợp việc chuyển cửa khẩu nếu xét trên thực tế là hết sức phi lý. Chẳng hạn như có doanh nghiệp trụ sở ở Hà Nội nhập hàng ở cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhưng lại đăng ký tờ khai tại Cục Hải quan Nghệ An. Theo quy trình làm thủ tục hải quan thì đường đi của lô hàng này lòng vòng và kéo dài thời gian hơn rất nhiều so với việc làm thủ tục ngay tại cửa khẩu nhập. Cụ thể là doanh nghiệp này sẽ từ Hà Nội vào Hải quan Nghệ An đăng ký tờ khai, sau đó quay ra cửa khẩu Lạng Sơn đón hàng đưa ngược trở lại Nghệ An làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa sau đó lại chở hàng ra Hà Nội tiêu thụ (?). Tại sao doanh nghiệp lại tự làm khó mình như vậy? Qua tìm hiểu chúng tôi được các chủ hàng “bật mí” rằng: nơi nào “thoáng” thì doanh nghiệp đăng ký khai báo thuế ở đó. Lãnh đạo một số chi cục hải quan tại cửa khẩu cũng cho biết rằng, nhằm giảm số tiền đóng thuế, doanh nghiệp thường có xu hướng khai thấp giá tính thuế của các loại hàng nhập khẩu. Theo quy định, đối với các loại hàng có mức giá khai báo thấp, có nghi vấn, hải quan nơi làm thủ tục phải tổ chức tham vấn doanh nghiệp để xác định lại giá tính thuế, thế nhưng một số đơn vị hải quan ngoài cửa khẩu thực hiện quy trình này còn sơ sài, chiếu lệ. Có những mặt hàng nhập khẩu có rõ ràng trong “kho” dữ liệu giá của hải quan mà nhiều đơn vị hải quan “ngoài cửa khẩu” vẫn không tham vấn được doanh nghiệp để bác bỏ mức giá khai báo. Có lẽ vì thế mà doanh nghiệp thích “lòng vòng” đến các đơn vị hải quan trong nội địa để kê khai và nộp thuế. Rõ ràng đơn vị hải quan nào cũng biết hàng chuyển cửa khẩu có độ rủi ro cao, nhưng do quy định nên lực lượng hải quan cửa khẩu vẫn phải chấp nhận làm thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy không nói ra nhưng hải quan cửa khẩu thường là không thích hàng chuyển cửa khẩu, bởi hàng thì đi qua cửa khẩu của mình (đôi khi còn phải kiểm tra hàng hóa hộ theo yêu cầu của hải quan “ngoài cửa khẩu”) nhưng thuế thì không được thu để tính vào thành tích. Cũng vì lý do này, cộng thêm tâm lý “ngại” bị mang tiếng là gây khó dễ để “giữ chân” doanh nghiệp làm thủ tục ngay tại cửa khẩu, mà việc kiểm tra các lô hàng chuyển cửa khẩu có nghi vấn ngay tại cửa khẩu nhập rất ít.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, ngành hải quan tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực hết sức để có thể quản lý chặt loại hình. Tuy vậy, việc kiểm tra, kiểm soát hàng xuất – nhập theo loại hình TNTX, chuyển khẩu là rất khó khăn. Để ngăn chặn sự “biến tướng” của các doanh nghiệp thì chỉ có một cách duy nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị hải quan nội địa. Vì chỉ có sự phối hợp chặt chẽ này thì mới có thể quản lý, giám sát được hàng hóa trong suốt quá trình tạm nhập đến khi tái xuất. Không chỉ có lực lượng hải quan, để hàng tạm nhập không lọt vào trong nội địa thì cũng rất cần sự vào cuộc, giám sát của lực lượng chức năng nội địa như: công an, quản lý thị trường.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()