Cần phương án hợp lý cho vắc-xin dịch vụ những ngày tới
Sau khi 10 nghìn liều vắc-xin dịch vụ năm trong một Pentaxim được kiểm định và chuyển về các cơ sở tiêm chủng tại Hà Nội sáng qua (25-12), hai cơ sở đã triển khai tiêm. Tuy nhiên, buổi tiêm đã phải tạm hoãn do tổ chức thiếu khoa học, gây tình trạng chen lấn, xô đẩy. Cục Y tế dự phòng đã phải chỉ đạo khẩn tình hình trên toàn quốc.
Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội tại số 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) là một trong hai điểm đầu tiên triển khai tiêm chủng với thông báo sẽ tiêm 70 liều vắc-xin dịch vụ/buổi từ ngày 25 đến 27-12. Từ tối 24 và sáng 25-12 đã có hàng trăm người tập trung, chen lấn trước cửa phòng khám chờ đợi tiêm cho con. Nhưng vì không tổ chức phát số lần lượt, tại điểm tiêm đã xảy ra tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát, khiến phòng tiêm và công an phường phải phát loa thông báo tạm hoãn tiêm ngay sau vài giờ triển khai.
Cũng trong sáng qua, tại Phòng Tiêm chủng dịch vụ ở 418 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế đã tiêm được cho 30 trẻ trong kế hoạch đặt hàng từ trước. Tại đây, tình hình ổn định, không xảy ra lộn xộn do phòng tiêm đã có lịch hẹn và thông báo ngày, giờ tiêm cụ thể cho trẻ. Hiện cả hai điểm tiêm nêu trên đều tạm dừng tiêm, chờ phương án thống nhất của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) – đơn vị cung ứng vắc-xin cho hai phòng khám kể trên cho biết, đợt này trung tâm hỗ trợ cho Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội 420 liều và Phòng khám Vĩnh Hưng hơn 700 liều. Nguyên nhân gây tình trạng lộn xộn, theo Cục Y tế dự phòng, là do số lượng vắc-xin được phân bổ ít nhưng lại thông báo tiêm chủng sớm nhất, không phát số thứ tự, cho nên người dân đổ xô đưa trẻ vào cùng lúc.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 cho biết, tại điểm tiêm làng quốc tế Thăng Long của công ty sẽ tổ chức tiêm vào tháng 1 nhưng cũng chỉ đáp ứng cho số trẻ đã được gia đình đăng ký từ trước theo gói dịch vụ cung cấp trọn gói ba mũi vắc-xin của phòng khám. Số lượng vắc-xin nhập về ít ỏi rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường tự do. Ông Đạt nhận định, vì nhà máy sản xuất đang nâng cấp để tăng quy mô sản xuất, mất khoảng ba năm để hoàn thiện và đánh giá thẩm định, vì thế nguồn vắc-xin sẽ khan hiếm trong ít nhất ba năm tới. Nhà máy chỉ đáp ứng được các đơn hàng đặt từ trước hoặc các chương trình tiêm chủng mở rộng ở các nước, còn ở Việt Nam chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho thị trường dịch vụ. Việc nhập khẩu được 200 nghìn liều vắc-xin dịch vụ vừa qua là nỗ lực lớn của Bộ Y tế và các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo một số cơ sở tiêm chủng để trẻ tiếp cận được vắc-xin dịch vụ trong những ngày tới, các bậc cha, mẹ không nên tập trung vào một điểm tiêm gây nên tình trạng quá tải ở đó, vì mỗi buổi phòng khám chỉ tiêm được khoảng 50 cháu. Hơn nữa, vắc-xin dịch vụ đã được phân phối tại tất cả các phòng tiêm dịch vụ trên cả nước và ở Hà Nội , cho nên, các gia đình cần theo dõi thông tin ở các cơ sở tiêm gần nơi ở, tránh đi lại vất vả, dồn ứ một nơi.
Ngay trong chiều 25-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin Pentaxim phù hợp với số lượng được phân bổ, đồng thời, công khai kế hoạch tiêm vắc-xin Pentaxim, dự kiến đối tượng, thời gian tiêm. Cục Y tế dự phòng yêu cầu tổ chức cho người dân đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ một cách khoa học qua điện thoại, in-tơ-nét hoặc các phương tiện thông tin truyền thông để tránh tập trung đông người tại cơ sở tiêm chủng gây khó khăn cho việc tổ chức buổi tiêm. Cũng sáng hôm qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu các sở y tế kiểm tra việc sử dụng vắc-xin, tránh ngăn chặn hiện tượng găm hàng, nâng giá trong những ngày tiêm tới.
Dự kiến, sáng nay (26-12), Cục Y tế dự phòng sẽ tổ chức họp với các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội để thống nhất một phương án tổ chức tiêm vắc-xin dịch vụ phù hợp, thuận tiện cho người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()