Cần phục tráng và tuyển chọn giống cây sở
– Sở là loài cây lâm nghiệp xuất hiện ở tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thực tế bà con vẫn canh tác các diện tích sở giống cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm không cao. Thời gian tới, rất cần có sự nghiên cứu khoa học trong việc tuyển chọn đưa các loại giống sở năng suất, chất lượng cao vào canh tác nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
Lạng Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây sở. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha sở với sản lượng quả khoảng 15.000 tấn/năm. Trong đó, khoảng 70% là diện tích trồng lâu năm phân bố chủ yếu tại các huyện Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Quan. Những năm gần đây, giá thu mua quả sở tăng, từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg giúp người trồng có nguồn thu nhập đáng kể, nên người dân đã chủ động đưa giống cây này vào canh tác.
Người dân xã Vân An, huyện Chi Lăng thu hoạch quả sở
Ông Nguyễn Mỹ Sơn, thành viên Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh cho hay: Qua nghiên cứu, hầu hết diện tích sở trên địa bàn tỉnh là giống sở lê quả to, vỏ dày, tỷ lệ dầu trong hạt chỉ đạt 25% đến 30%. Trong khi tại một số tỉnh như: Nghệ An, Quảng Ninh…, người dân trồng giống sở chè có đặc điểm vỏ mỏng, hạt nhiều, tỷ lệ dầu trong hạt từ 50% đến 54%. Cùng đó, người dân cũng đã nắm được quy trình thu hái, bảo quản nên giá thu mua ở những địa phương này khoảng 16.000 đồng/kg cao hơn giá sở trên địa bàn tỉnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chất lượng sản phẩm sở đạt thấp là do những năm qua, người dân chủ yếu trồng cây sở được nhân giống từ hạt nên các cá thể cây không đồng đều về sinh trưởng, phát triển, chậm ra quả, năng suất, chất lượng hạt không cao. Cùng đó, người dân trồng cây sở ghép chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, chưa được khảo nghiệm về mức độ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Chị Hoàng Thị Lan, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi muốn trồng sở nhưng khó khăn khi lựa chọn giống vì hiện nay không có khuyến cáo của ngành chức năng. Rất mong các ngành liên quan sớm nghiên cứu, cung cấp giống cây phù hợp để chúng tôi yên tâm canh tác.
Thạc sỹ Nguyễn Phương Tùng, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Muốn phát huy giá trị của cây sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì ngoài tập trung nâng cao chất lượng giống sở lê bản địa, các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu giống sở cho năng suất cao, hàm lượng dầu lên đến 50% vào canh tác như giống sở chè, sở cành mềm Sâm Khê. Cùng đó, cần có giải pháp toàn diện theo chuỗi giá trị từ chọn, nhân giống vô tính để tạo ra giống tốt; quan tâm đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải tạo những diện tích đang cho quả để cây sở đạt năng suất cao, chất lượng hạt đảm bảo tiêu chuẩn chế biến.
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây và quả sở, đầu năm 2021, Sở KH&CN tỉnh đã tuyển chọn đơn vị triển khai đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục tráng và tuyển chọn giống sở phù hợp với điều kiện tỉnh Lạng Sơn”. Qua đây, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thuộc Bộ KH&CN là đơn vị triển khai đề tài. Mục tiêu của đề tài là tuyển chọn 30 cây trội có nguồn gốc từ rừng sở ở Lạng Sơn; xây dựng mô hình nhân giống sở bản địa với quy mô 700 cây; xây dựng mô hình trồng giống sở bản địa và thử nghiệm 3 giống sở mới; xây dựng mô hình cải tạo rừng sở năng suất thấp; xây dựng tài liệu nhân giống và quy trình thâm canh cây sở.
Từ thực tế trên cho thấy: việc nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng cây sở là việc làm cần thiết. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần sớm đôn đốc, triển khai việc phục tráng và tuyển chọn giống sở phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để từ đó góp phần tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân từ trồng cây sở.
Sở là loài cây đa mục đích, sản phẩm chính là dầu sở, bã sở, vỏ quả. Ngoài ra, sở còn cung cấp gỗ gia dụng, củi, nuôi ong lấy mật, có tác dụng phòng hộ. Dầu sở được sử dụng làm dầu ăn, có chất lượng tương đương với dầu ô liu, loại dầu ăn đang được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Dầu sở còn là nguyên liệu phục vụ sản xuất xà phòng, mỹ phẩm cao cấp và dược liệu y tế. Bã sở được sử dụng làm thuốc trừ sâu, cám giàu đạm cho gia súc, phân bón, chất tẩy rửa. Vỏ quả sở được sử dụng để sản xuất cồn ethylic, axitbutyric, methilic, tanin, than hoạt tính… |

Ý kiến ()