Cần phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để kiểm soát lạm phát
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2017".
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo, 6 tháng đầu năm cơ bản không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5/2017. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; CPI tháng 6 tăng 0,2% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá từ đầu năm đến nay là do công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện, bám sát tình hình thực tiễn; đồng thời có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác điều hành giá cũng đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ tổng hợp (Tài chính – Ngân hàng Nhà nước – Kế hoạch và Đầu tư) với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nhất là điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục.
Công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng được chú trọng, nhất là trong dịp lễ, tết. Công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về quản lý, điều hành giá được tăng cường hơn trước; chính sách tài khóa và tiền tệ đã được triển khai phối hợp hiệu quả trong điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ.
Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu; cá biệt có mặt hàng vượt cầu (lợn thịt), góp phần giảm chỉ số CPI chung. Giá nhiên liệu, chất đốt trên thị trường thế giới giảm tác động vào giá trong nước.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng đánh giá, lạm phát đang được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Tuy nhiên, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% sẽ rất khó khăn, để đạt được điều này cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, tăng trưởng tín dụng 20%; lượng cung tiền 20%. Nhưng như vậy sẽ tạo sức ép lên lạm phát (tăng trưởng GDP luôn luôn tỷ lệ thuận với lạm phát). Dự báo CPI năm 2017 sẽ ở mức dưới 4%.
Tuy nhiên chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long lại cho rằng, lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức chỉ số tăng giá tiêu dùng bình quân 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đặt ra. Do đó, để chỉ số CPI tăng bình quân từ mức 4,47% xuống còn 4% vào cuối năm đòi hỏi CPI phải được kiểm soát ở mức thấp trong thời gian tới.
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, nửa cuối năm 2017, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm. Theo đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng; giá xăng dầu thế giới biến động khó lường; các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu; diễn biến nhu cầu thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu; mức lương cơ sở,… sẽ tác động lớn tới CPI.
Để kiểm soát lạm phát, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động và phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất, tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ kể trên cần tính toán, thống nhất.
Cùng với đó, tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu; theo dõi việc thực thi Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện tốt kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới biến động khó lường…/.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()