Cần phối hợp đồng bộ
LSO-Những năm qua, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép cổ vật diễn ra ở nhiều địa phương. Với đặc thù là tỉnh biên giới, Lạng Sơn trở thành điểm trung chuyển để các đối tượng buôn đồ cổ tuồn cổ vật ra nước ngoài.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm kê cổ vật được các cơ quan chức năng bàn giao |
Ngày 3/8/2015, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Hữu Nghị phát hiện một đối tượng người Trung Quốc có hành vi vận chuyển hàng hóa nghi là cổ vật qua biên giới. Tang vật tạm giữ gồm 105 quyển sách chữ Hán Nôm cũ, trong đó có 3 quyển có dấu xác nhận di sản văn hóa của Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Lào Cai; 2 sắc phong bằng giấy; 1 hộp gỗ đựng sắc phong; 1 cân tiểu ly đựng trong hộp gỗ hình cây đàn… cùng một số hiện vật khác. Theo kết quả giám định của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, số hiện vật trên là cổ vật, trong đó giá trị nhất là các cuốn sách ghi chữ Hán Nôm niên đại thế kỷ 18; cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20; 2 bức sắc phong thời Lê (năm 1787) và thời Nguyễn (năm 1924)…
Đây chỉ là một trong số những vụ vận chuyển trái phép cổ vật qua địa bàn Lạng Sơn được các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Thiếu tá La Thịnh Tường, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BPCKQT Hữu Nghị cho biết: Riêng từ năm 2015 đến nay, đơn vị phát hiện, bắt 3 vụ vận chuyển trái phép cổ vật. Tất cả các trường hợp hàng hóa nghi là cổ vật, đơn vị đều đề nghị Bảo tàng tỉnh giám định. Nếu không phải cổ vật thì trả lại chủ hàng, còn nếu là cổ vật, đơn vị xử lý theo quy định, đồng thời bàn giao cho bảo tàng quản lý. Gần đây nhất, tháng 6 vừa qua, đơn vị bàn giao cho bảo tàng 18 kg tiền cổ.
Theo ông Nông Xuân Tiến, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng tỉnh, tuy chưa xảy ra thất thoát cổ vật tại các điểm di tích song với đặc thù là tỉnh biên giới, có các cửa khẩu quốc gia và quốc tế nên Lạng Sơn trở thành địa bàn để các đối tượng buôn đồ cổ đưa trái phép cổ vật ra nước ngoài. Những cổ vật này bao gồm nhiều loại như: tượng cổ, lư hương, đồ gốm sứ, đồ kim khí, tranh thờ, bức sắc phong của các triều đình phong kiến, sưu tập tiền cổ… Trong đó, nhiều cổ vật có giá trị lớn, thậm chí vô giá.
Từ năm 1996 đến nay, Bảo tàng tỉnh tiếp nhận 1.912 đơn vị hiện vật và 39,4 kg tiền kim loại cổ từ các cơ quan chức năng như công an, bộ đội biên phòng, hải quan…. Riêng từ năm 2010 đến nay, đơn vị tiến hành giám định 371 hiện vật và 23,8 kg tiền cổ do các cơ quan chức năng thu giữ.
Với chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng ngăn chặn nạn “chảy máu” cổ vật. Khi các đơn vị trưng cầu giám định, bảo tàng đều thành lập Hội đồng khoa học tiến hành giám định về nội dung, giá trị (bao gồm giá trị văn hoá và giá trị kinh tế) của hiện vật để phục vụ công tác điều tra, xử lý của lực lượng chức năng đồng thời nghiên cứu, làm rõ nguồn gốc, xuất xứ hiện vật để trả về địa phương có cổ vật. Những cổ vật chưa xác minh được nguồn gốc, bảo tàng tạm thời quản lý, tổ chức tuyên truyền, trưng bày phục vụ nhân dân và du khách.
Thời gian qua, tuy số hiện vật được các cơ quan chức năng thu giữ và trưng cầu giám định khá lớn song sau khi có kết quả, một số đơn vị chưa tích cực chuyển giao cho bảo tàng quản lý để phát huy giá trị di sản hoặc trả về địa phương nơi có cổ vật. Chẳng hạn trong 371 hiện vật được giám định từ năm 2010 đến nay, mới có 121 đơn vị hiện vật được bàn giao cho bảo tàng. Và cũng chỉ có số ít đơn vị tích cực bàn giao như Đồn BPCKQT Hữu Nghị.
Do vậy, theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn giữa ngành văn hóa với các cơ quan, lực lượng chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn “chảy máu” cổ vật. Cùng với đó, cơ quan cấp trên cần đầu tư kinh phí cho công tác giám định, bàn giao hiện vật cũng như khen thưởng để khuyến khích, động viên các đơn vị tích cực ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép cổ vật.
THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()