Cần phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực theo hướng bền vững
Ngày 13/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối họp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành thủy sản.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, để phát triển thuỷ sản bền vững, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển nhanh, mạnh, bền vững và hiệu quả đối với các sản phẩm hàng hoá là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm sú, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng tôm – rừng ngập mặn; tôm – lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm-TTXVN. |
Cụ thể, đối với tôm thẻ chân trắng, ngành chỉ nên phát triển nuôi ở những vùng có lợi thế và tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu từ tôm thẻ chân trắng; tổ chức hướng dẫn tốt quy trình nuôi tôm nước lợ đúng qui trình kỹ thuật, có ao lắng đúng quy cách và thả giống nuôi khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Cùng với đó, cần nâng cao năng suất, sản lượng tại các vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến trên cơ sở nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi tiên tiến; quản lý chặt con giống bảo đảm chất lượng cung cấp cho người nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần hướng dẫn người nuôi các biện pháp cụ thể phòng ngừa dịch bệnh cho tôm, khuyến khích áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến như: nuôi trong nhà kính; nuôi nhiều giai đoạn; nuôi tôm khép kín, ít thay nước… để kiểm soát tốt môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Đối với cá tra, ngành cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi tuân thủ đúng quy định đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở; doanh nghiệp không chế biến, lưu thông sản phẩm cá tra không bảo đảm chất lượng theo quy định của Nghị định số 36/2014. Đặc biệt, các địa phương cần xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh.
Bộ NN và PTNT cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai Đề án dự báo ngư trường để hoàn thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác lập quy hoạch khai thác xa bờ theo định hướng sản lượng, nhóm nghề và số lượng tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 phù hợp với nguồn lợi.
Ngành nông nghiệp chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng các trung tâm nghề cá lớn, tạo động lực hình thành mới và khôi phục ngành cơ khí, sản xuất trang thiết bị, ngư lưới cụ, cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất thủy sản.
Qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ngành thuỷ sản vẫn đạt kết quả quan trọng. Theo đó, năm 2014 giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 188.600 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 5,3%; sản lượng nuôi trồng đạt 3.620 nghìn tấn, tăng 5,9%. Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng thủy sản cả nước đạt 1.830 nghìn tấn; diện tích nuôi trồng đạt 1.280 nghìn ha, tăng 2,2%.
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, thời gian qua, các địa phương vùng Duyên hải Nam bộ phát huy tốt lợi thế đặc trưng của vùng, có cơ cấu sản xuất tôm sú – tôm thẻ chân trắng hợp lý phù hợp với các vùng sinh thái đặc trưng từng địa phương. Toàn khu vực có diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến ổn định khoảng 540 nghìn ha, chiếm 88% diện tích thả nuôi. Đáng lưu ý, diện tích tôm thẻ chân trắng chỉ chiếm 12,5%, nhưng chiếm đến 56,98% về sản lượng. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá tra trong 2 năm 2014 – 2015 tiếp tục duy trì diện tích, năng suất, sản lượng, đồng thời nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra với diện tích thả nuôi năm 2014 đạt 5.500 ha, sản lượng thu được 1,1 triệu tấn; khối lượng xuất khẩu đạt 750 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.
Hiện cả nước có hơn 100 trại sản xuất giống cá tra tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền giang. Sản xuất tôm giống được đặc biệt quan tâm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1.200 trại giống, chiếm 52% số trại giống cả nước, sản xuất khoảng 45-50 tỷ con giống/năm, bằng 40% sản lượng giống cả nước. Giống tôm được sản xuất chủ yếu tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, hiện tại đáp ứng 30 – 40% nhu cầu nuôi tôm của khu vực này.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()