Cần phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị
LSO-Thời gian qua, trên địa bàn Lạng Sơn, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (ATĐB) diễn ra phổ biến. Từ đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên đường Minh Khai, thành phố Lạng Sơn |
Vi phạm phổ biến
Quốc lộ 4B đoạn qua khu Mỏ, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, phần vỉa hè và hành lang ATĐB bị người dân chiếm dụng làm nơi bày bán hàng hóa, rau củ, thậm chí, nhiều hộ kinh doanh còn lấn chiếm cả lòng đường để bán hàng. Điều này khiến cho giao thông trong khu vực thường xuyên bị ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Bà Hà Thi Lan, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: có vài lần Thanh tra giao thông, chính quyền thị trấn xuống tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các hộ vi phạm trả lại lòng đường, vỉa hè cho phương tiện qua lại, thế nhưng sau một thời gian ngắn, đâu lại vào đấy.
Không riêng quốc lộ 4B mà trên quốc lộ 4A đoạn qua thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng và huyện Tràng Định; tuyến 1A đoạn qua thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc… cũng xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang ATĐB làm nơi tập kết vật liệu, phơi nông sản, xây dựng các công trình phụ, làm vườn, trồng cây.
Chưa bị xử phạt
Ông Phạm Hữu Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: trong năm 2015, qua công tác tuần đường trên 5 tuyến quốc lộ, 23 tuyến đường tỉnh và 10 tuyến đường đô thị, chúng tôi phát hiện, lập biên bản và báo cáo Sở Giao thông – Vận tải 577 trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi xâm lấn đất dành cho đường bộ và hành lang đường bộ. Từ đầu năm 2016 đến nay, chúng tôi tiếp tục phát hiện 121 trường hợp vi phạm.
Nhận thông tin, báo cáo từ phía Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn, Thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm có đầy đủ sơ kèm theo đối với 377 trường hợp, tổ chức cưỡng chế 60 trường hợp vi phạm trên quốc lộ 4A và quốc lộ 31. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2016 vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Vì vậy, chưa đủ sức răn đe nên hành lang ATĐB vẫn tiếp tục bị lấn chiếm.
Cần giải pháp đồng bộ
Ông Trần Văn Vương, Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông – Vận tải cho biết: hiện còn một số vướng mắc khiến hành lang đường bộ khó quản lý. Cụ thể như: một số diện tích đất của người dân trong phạm vi hành lang đường bộ chưa được đền bù; chưa có hình thức xử phạt mang tính răn đe đối với người lấn chiếm hành lang đường bộ, hiện mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, cưỡng chế chứ chưa xử phạt nên sau một thời gian, người dân lại tái lấn chiếm; sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra giao thông với chính quyền cơ sở chưa kịp thời, chặt chẽ; nhận thức của người dân về hành lang ATĐB còn hạn chế nên chưa nghiêm túc chấp hành.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng lấn chiến hành lang ATĐB, Sở Giao thông – Vận tải giao các công ty quản lý đường bộ cắm mốc lộ giới và cột mốc đất của đường bộ trên tất cả các tuyến đường; tính đến ngày 30/9, đã hoàn thành 40% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10/2016. Tuy nhiên, về lâu dài, lực lượng chức năng cần có giải pháp thu hồi đất của đường bộ và có hồ sơ cụ thể, lập sơ đồ giải thửa đất của đường bộ để tiện quản lý, đồng thời, giao cho địa phương làm căn cứ để xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần phải phân định rõ cơ quan nào có quyền xử phạt, đơn vị nào cưỡng chế để thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cần thực hiện đúng vai trò của mình trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang đường bộ. Như vậy, mới có thể lập lại trật tự an toàn hành lang đường bộ trong thời gian tới.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()