Cần phân công trách nhiệm thống nhất trong quản lý an toàn thực phẩm
Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ 1-7-2011 nhưng cho đến nay Nghị định hướng dẫn một số điều của luật này chưa thể ban hành vì nhiều lý do: thứ nhất là, thủ tục hành chính phải hợp lý, hợp pháp; thứ hai là, "cái bánh trách nhiệm" vẫn chưa biết chia thế nào cho hợp lý nếu phải hợp luật; thứ ba là, công bố hợp quy nhưng quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) đối với thực phẩm chỉ là mức giới hạn các chỉ tiêu về vệ sinh đối với sản phẩm cuối cùng trong khi tính an toàn thực phẩm (ATTP) còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.Thực tiễn đa dạngTrong tháng 7 năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước nháo nhào đi về các bộ để xin công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng, ATTP đối với hàng nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp bị quản lý thị trường niêm phong hàng vì các sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy khi cả ba bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đều chưa có văn...
Thực tiễn đa dạng
Trong tháng 7 năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước nháo nhào đi về các bộ để xin công bố hợp quy và đăng ký kiểm tra chất lượng, ATTP đối với hàng nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp bị quản lý thị trường niêm phong hàng vì các sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy khi cả ba bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đều chưa có văn bản hướng dẫn công bố hợp quy.
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất xúc-xích, giăm bông, thịt hun khói các loại tất nhiên phải nhập khẩu thêm nhiều loại nguyên liệu, phụ gia khác nhau. Thịt thì có thể mua trong nước và có thể nhập khẩu khi thị trường trong nước khan hiếm hoặc chất lượng không bảo đảm. Tinh bột, muối, phụ gia các loại, bao bì từ ruột động vật, bao bì nhân tạo ăn được, vi chất dinh dưỡng,… là những thứ không cần nhiều nhưng phải đủ cho một kế hoạch sản xuất vài tháng. Thế là sinh chuyện! Một giám đốc đã than trời, nói như khóc khi không biết làm sao tìm đến đủ các cửa để làm thủ tục nhập khẩu: “Thịt thì do thú y kiểm tra, kiểm dịch. Muối do Bộ NN và PTNT chịu trách nhiệm nhưng ai kiểm? Tinh bột do Bộ Công thương chịu trách nhiệm nhưng chưa biết ai kiểm. Xưa nay chỉ y tế kiểm mọi thứ cũng đã phải chủ động lắm mới kịp cho sản xuất. Hơn hai tháng trời mà chưa giải tỏa, tập kết xong hàng một công-ten-nơ về nhà máy. Nợ lương công nhân mấy tháng trời…”.
Một doanh nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng ca cẩm: “Rượu, bia, nước giải khát do Bộ Công thương chịu trách nhiệm. Rượu là thứ nước uống khoái khẩu. Bia là nước giải khát khoái khẩu, thư giãn. Nước giải khát là những thứ gì? Nước uống, nước khoáng đóng chai cũng là nước giải khát thì lại do ngành y tế quản. Nước ép trái cây, nước trà thảo mộc, sữa tươi đều có mục đích giải khát cả thì ai quản? Chúng tôi còn sản xuất bánh, kẹo các loại. Bánh Bim Bim thì phải có tinh bột, khoai tây, dầu thực vật, mỡ động vật tùy loại. Bánh Trung thu còn phong phú thành phần cấu tạo hơn. Dinh dưỡng khoái khẩu, hợp lý mà! Nhiều loại cao cấp phải thêm vi chất dinh dưỡng, có cái thêm sâm, có cái thêm Đông trùng Hạ thảo. Đến Bộ Y tế hỏi thì được trả lời phải đợi Nghị định. Nghị định mà vẫn chia trách nhiệm theo nhóm sản phẩm như trong Luật ATTP cho ba bộ cùng quản thì gây nhiêu khê, phiền hà ngay. Thủ tục hành chính như Bộ Y tế trước đây vừa chặt, vừa mở, có khó khăn chút nhưng đã quen. Nhũng nhiễu chủ yếu do cá nhân công chức hay bộ phận của cơ quan có thẩm quyền gây ra. Nhưng nhiêu khê nhiều “cửa quan” thì chết doanh nghiệp vì nó còn đẻ thêm nhiều công chức, bộ phận gây phiền hà nữa…”.
Một cán bộ của Văn phòng Chính phủ cũng đã có ý kiến trong một cuộc họp liên ngành rằng, bản thân tôi là quan chức tham gia trình Luật ATTP mà cũng không hiểu sản phẩm nào phải đến cửa nào thì doanh nghiệp còn khó và người tiêu dùng còn khó nhiều nữa mới biết ai, bộ nào chịu trách nhiệm.
Tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) có đưa ra nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý đối với ATTP là theo quá trình, trong đó Bộ NN và PTNT quản lý quá trình sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) đến sản phẩm tươi, sống (sơ chế, đông lạnh); Bộ Y tế quản lý quá trình sản xuất hàng tiêu dùng (thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay và thực phẩm bao gói sẵn).
Nhưng Luật ATTP phân trách nhiệm cho ba bộ (Y tế, NN và PTNT và Công thương) theo nhóm sản phẩm (theo thành phần cấu tạo chính) và xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn, món ăn và hàng nhập khẩu. Vì thế đã tạo ra sự chồng chéo về quản lý tại các cửa khẩu và tạo ra nhiều cửa trong quản lý công bố hợp quy. Hệ quả này là sự phân công trách nhiệm không thống nhất trong Luật ATTP với nguyên tắc phân công trách nhiệm trong Luật CLSPHH và cũng trái với nguyên tắc, chủ trương điều hành của Chính phủ là “mỗi bộ chịu trách nhiệm một lĩnh vực”.
Thực phẩm, là hàng hóa thuộc nhóm 2 – liên quan an toàn và vì vậy theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT), phải công bố hợp quy. Mũ bảo hiểm có thể chỉ cần tuân thủ QCKT về an toàn thương tích. Tuy nhiên ATTP không chỉ liên quan QCKT về vệ sinh mà còn liên quan công nghệ chế biến, công thức phối chế, cách bảo quản, chất lượng dinh dưỡng, đối tượng sử dụng phải đúng với mục đích sử dụng, dùng phải đúng cách, đúng liều và các cảnh báo nguy cơ, thông báo, khuyến cáo dinh dưỡng, an toàn sức khỏe khác. Ăn nhiều thịt, nhiều đường, nhiều mỡ cũng sinh bệnh? Vì vậy không thể chứng nhận hợp quy toàn diện cho thực phẩm nói chung và thực phẩm đặc biệt nói riêng! Trong khi đó, chứng nhận hợp quy, theo Luật TCQCKT là do bên thứ ba thực hiện. Nếu nghị định sắp tới bắt buộc thực phẩm phải qua bên thứ 3 chứng nhận hợp quy và cơ quan có thẩm quyền chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký Bản công bố hợp quy như quy định của Luật ATTP thì vô hình chung, pháp luật đã bắt buộc doanh nghiệp phải qua thêm một cửa dịch vụ hành chính nữa. Việc đó cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước không quản lý cả quá trình nữa mà chỉ khi cần thiết, khi đã có rủi ro!?
Làm sao cho Luật ATTP đi vào thực tiễn cuộc sống không gây chồng chéo trách nhiệm, thống nhất “một cửa một lĩnh vực” trong công bố hợp quy và kiểm tra nhập khẩu, không gây khó khăn, đình đốn trong sản xuất và góp phần bình ổn giá thực phẩm tiêu dùng là một việc quá khó nếu các bộ cứ tiếp tục cục bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()