Cần phải xử lý nghiêm hành vi không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành và đại đa số người dân đã tích cực tuyên truyền và chấp hành tốt luật an toàn giao thông. Tuy nhiên,tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cố tình không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát, cản trở người thi hành công vụ đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Có rất nhiều hình thức chống đối lực lượng cảnh sát giao thông. Nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao hơn cả đó là các hành vi cố tình phóng nhanh, lạng lách qua qua khu vực cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ để bỏ chạy. Có trường hợp lao thẳng vào CSGT khi gặp hiệu lệnh dừng xe, hoặc bất ngờ quay đầu ngược trở lại bỏ chạy. Một số đối tượng vi phạm khi được yêu cầu dừng xe đã chửi bới, đe dọa, tấn công lực lượng chức năng, kích động quần chúng gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, danh dự của cán bộ chiến sĩ và các hoạt động bình thường của xã hội. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, từ đầu năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 157 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, cố tình cản trở người thi hành công vụ. Số vụ không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông và tính chất nghiêm trọng của từng vụ việc ngày càng tăng đã khiến đại đa số người dân phẫn nộ và đề nghị các cơ quan pháp luật cần phải có những biện pháp xử lý có tính răn đe mạnh hơn nữa đối với những đối tượng biết mà vẫn cố tình vi phạm.
Việc người vi phạm luật giao thông đường bộ cố tình không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng CSGT đã và đang tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp phải kể đến nguyên nhân là do một số đối tượng vi phạm có trình độ nhận thức kém, bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của xã hội cộng với bị xúi giục bởi đám đông, do sử dụng chất kích thích… Nhiều đối tượng sau khi không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ bị xử lý mới ân hận và nhận sai lầm. Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của công tác giáo dục, hình thành ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân tại các địa phương và các cấp, bậc học. Từ thực tế các vi phạm cho thấy, công tác giáo dục pháp luật ATGT đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả, bước đầu mới tập trung chủ yếu vào học sinh, sinh viên và công nhân viên chức nhà nước mà chưa tác động được đến với những lao động cá thể, không nghề nghiệp, thanh thiếu niên đã bỏ hay thôi học. Có nhiều đối tượng khi vi phạm hoàn toàn “mù luật”, có đối tượng thì biết lơ mơ nên cố tình chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ để biện minh cho những hành vi vi phạm.
Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đến mọi người dân, một điều hết sức quan trọng mà bất kỳ công dân nào cũng phải ý thức được, đó là phải chấp hành pháp luật nói chung và luật giao thông đường bộ nói riêng. Như vậy vừa tránh được rủi ro cho bản thân, vừa giảm thiểu những hiểm nguy đối với lực lượng thực thi pháp luật.
Ý kiến ()