Cần phải chung tay, dồn sức hơn nữa để có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Đến thời điểm này, không một quốc gia nào có thể coi thường những tác động và ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có Việt Nam.
BĐKH biểu hiện thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường như: Nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao,… và đang có dấu hiệu trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây.
Những thảm họa này đòi hỏi cả cộng đồng cần phải chung tay, dồn sức hơn nữa để có giải pháp hữu hiệu kịp thời ứng phó.
Ảnh: BL.
BĐKH là không lường trước
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những ảnh hưởng của xu thế suy thoái do tác động của BĐKH toàn cầu là suy giảm nguồn nước. Nhiệt độ không khí có xu thế ngày một tăng. Theo kịch bản BĐKH đến năm 2070, nhiệt độ ở các vùng ven biển có khả năng tăng thêm 1,5o C, vùng nội địa tăng 2,0o C. Việc này kéo theo lượng hơi nước bốc lên tăng khoảng 7,7% – 8,4%, nhu cầu tưới tăng lên, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng khi lượng mưa không đổi và thậm chí giảm.
Kèm theo đó, hiện tượng El – Nino mỗi khi xuất hiện cũng gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề ở nước ta. Trong đó, khu vực chịu tác động nặng nhất của hiện tượng El – Nino là các tỉnh miền Trung như: Ninh Thuận, Bình Thuận,… Nguồn nước các sông, các hồ chứa giảm nhanh và đều ở mức thấp hơn trung bình hàng năm từ 18 – 38%, thiếu hụt nhiều nhất ở lưu vực sông Thao. Lượng mưa không ổn định gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tài nguyên nước… thể hiện ở việc gia tăng diện tích ngập úng, mùa màng theo đó mà giảm năng suất, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sự chênh lệch về lượng mưa theo mùa khiến cho mùa khô trở nên khắc nghiệt hơn, tạo nên sự mất cân đối trong việc phân bổ nguồn nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nước suy giảm gây khó khăn đến sinh hoạt thường ngày do điều kiện vệ sinh không được bảo đảm, cùng với tình trạng nắng nóng gia tăng, dẫn đến phát sinh dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mùa hè. Thiếu hụt nguồn nước cũng khiến cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng lên, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, năng suất sản lượng suy giảm thậm chí đình trệ như ở vùng Nam Trung Bộ; ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng không nằm ngoài quy luật này.
Hệ quả của BĐKH có tính chất nặng nề, sâu rộng nhất là hiện tượng nước biển dâng; trong đó, nước biển dâng đặc biệt ảnh hưởng đối với vùng cửa sông, ven biển. Nước biển dâng sẽ làm tác động xâm thực bờ biển tăng lên do gia tăng cường độ của sóng biển. Nhiều đoạn bờ biển bị xói lở, làm mất dải rừng phòng hộ ven biển, làm thu hẹp dần diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng đất ven biển. Nước biển dâng cũng làm gia tăng xâm nhập mặn sâu trong lục địa, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và làm suy thoái môi trường đất.
Tình hình xâm nhập mặn tại Kiên Giang và Bến Tre xảy ra năm 2016 là một minh chứng cụ thể. Tình trạng này đã diễn ra gay gắt và có chiều hướng phức tạp. Dự báo, trong thời gian tới, khi vào cao điểm mùa khô, thời tiết chủ đạo sẽ là nắng, nhiều ngày có nắng nóng với nhiệt độ từ 35 – 37độ C. Nước bốc hơi càng mạnh, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra càng gay gắt hơn. Báo cáo của Sở NN-&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, hiện độ mặn 4%o đã xâm nhập sâu vào đất liền cách cửa sông từ 40 – 50 km, rãnh mặn 1%o đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75km, hầu như đã bao trùm phạm vi toàn tỉnh (chiếm khoảng 155/164 xã, phường, thị trấn). Mặn làm thiệt hại trên 10.000 ha lúa, trong đó nặng nhất là huyện Ba Tri với trên 3.800 ha lúa thiệt hại trên 70%, chưa kể những thiệt hại cho các vườn cây ăn quả, rau màu.
Không chỉ vậy, năm 2016, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả nặng nề, khiến nhiều người dân mất cửa nhà, tài sản, nhiều người mất tích, bị thương, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung, 10 cơn bão kèm theo mưa lũ năm 2016 đã khiến nhiều gia đình “chìm trong biển nước”. Trong “cơn hoạn nạn” bởi thiên tai, các tầng lớp xã hội trong cả nước hướng về miền Trung. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và các tổ chức xã hội khác cũng đã luôn “sát cánh” hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn tỷ đồng, lương thực, thuốc men… để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống cho hàng vạn người dân.
Các chuyên gia cho rằng, BĐKH có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia không chỉ riêng Việt Nam. Bởi vậy, mọi chiến lược về phát triển bền vững không thể không tính đến tác động của BĐKH để luôn có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Kịp thời ứng phó
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2017, các dự báo mới nhất của các mô hình khí hậu cũng như các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, hầu hết các kết quả dự báo hiện tượng ENSO (là sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng xảy ra ở đại dương El-Nino, La-Nina và ở khí quyển) sẽ duy trì trạng thái trung gian với xác suất trong khoảng 60-70% trong 3-4 tháng tới. Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng chậm, nhưng mức độ tin cậy của dự báo giảm nhanh theo thời gian trong những tháng nửa cuối mùa mưa bão 2017.
Đặc biệt, trong tháng 1 và tháng 2/2017, đã xuất hiện nhiệt độ trung bình cao kỷ lục ở khu vực Bắc Bộ; mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở các tỉnh từ Trung Trung Bộ trở vào phía Nam và hiện tượng mưa trái mùa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Lũ trái mùa đã xuất hiện trên sông Đà, sông Thao, sông Chảy và sông Gâm. Triều cường xuất hiện theo chu kỳ vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 tại ven biển miền Trung và Nam Bộ, xuất hiện sóng lớn do không khí lạnh, bão và áp thấp nhiệt đới. Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5/2017, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa có khả năng thiếu hụt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mùa mưa có khả năng đến muộn hơn ở Bắc Bộ và đến sớm hơn ở phía Nam. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm trên Biển Đông và số lượng hoạt động nhiều hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Bắc Biển Đông trong những tháng đầu mùa mưa bão năm 2017…
Như vậy, có thể khẳng định, tốc độ BĐKH đang diễn ra, thậm chí nhanh hơn kịch bản BĐKH đã được dự báo. Nó không chỉ dừng lại ngày một, ngày hai… mà sẽ xuất hiện bất thình lình khiến con người không kịp trở tay. Năm 2017, dự báo lại một năm cả cộng đồng cần phải chung tay, dồn sức hơn nữa để có giải pháp hữu hiệu ứng phó với BĐKH.
Để kịp thời ứng phó với những tác động của BĐKH trong năm 2017, các bộ, ngành đã họp bàn và đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất trong năm nay. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương sớm đánh giá thực trạng rừng đầu nguồn, phòng hộ; có kế hoạch cụ thể cho việc trồng mới, khoanh nuôi, phát triển và bảo vệ rừng. Hạn chế tối đa việc đầu tư xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chủ động rà soát lại các công trình, có giải pháp di dân, bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư một cách hợp lý tại khu vực nguy hiểm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề về lũ, bão nhằm phòng tránh và ứng phó hiệu quả với bão, mưa lũ. Xem xét, bổ sung trạm đo mưa, xây dựng các trạm đo mưa cộng đồng, trạm cứu hộ ở các tỉnh miền Trung (đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ), đầu tư phương tiện, trang thiết bị phù hợp với thực tế địa phương, củng cố lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn để xử lý các tình huống phức tạp và chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn. Triển khai các giải pháp ưu tiên nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, bao gồm mở rộng mặt cắt tiêu thoát lũ tại các hệ thống kênh tiêu, cầu, cống không đủ khẩu độ; xử lý chống sạt lở cửa sông ven biển tại các khu đông dân cư, khu kinh tế; phòng, chống sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực miền núi; triển khai chương trình nâng cấp đê điều, hồ đập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tăng cường và ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Trung ương, dự phòng và các nguồn vốn khác cho xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và hỗ trợ thiệt hại; xem xét, điều chỉnh rút gọn quy trình hỗ trợ thiệt hại và tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời theo hướng xử lý khẩn cấp.
Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai và đây chính là mục tiêu chung của chiến lược phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH của Việt Nam định hướng đến năm 2030./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()