Cần nỗ lực nhiều hơn trong quản lý và tổ chức lễ hội
Với hơn 1.000 lễ hội, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất trong cả nước. Năm nay do công tác tổ chức và quản lý lễ hội của chính quyền địa phương được thực hiện ráo riết và có nhiều tiến bộ, cho nên các lễ hội lớn trên địa bàn đã có sự chuyển biến đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã, rắc gạo, muối, rải tiền lẻ ở nhiều đền, phủ. Ðiều đó cho thấy, để lễ hội thật sự văn minh, vẫn cần nhiều nỗ lực từ các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Nhiều chuyển biến tích cực
Những năm trước, lễ hội đền Sóc tại huyện Sóc Sơn luôn diễn ra cảnh tranh cướp giò hoa tre, trầu cau. Thậm chí, có năm, lễ vật dâng thánh bị cướp ngay trên đường rước. Nhiều khách hành hương khi tranh giành lộc dẫn đến thương tích. Ngày khai hội đền Sóc vào sáng mồng 6 tháng Giêng năm nay, sau khi dâng lễ vật, một phần giò hoa tre, trầu cau được đưa vào hậu cung, một phần đưa xuống đền Hạ, đền Mẫu, đền Trình và đưa về các thôn phát lộc. Sau khi tế lễ, người dân được vào đền Thượng lễ thánh. Tại đây, Ban tổ chức phát giò hoa tre cho người nào có nhu cầu. Trưởng Ban quản lý di tích đền Sóc Lê Hữu Mạnh cho biết, năm nay, ngoài 500 cành hoa tre kết thành giò dâng lễ, Ban tổ chức cũng làm thêm 15 nghìn cành hoa tre để phát lộc cho nhân dân. Nhờ đó đã không xảy ra tình trạng cướp lộc. Anh Nguyễn Ðức Lộc (phố Hoa Lâm, quận Long Biên) chia sẻ: “Năm nay đi hội đền Sóc chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, không khí lễ hội trang nghiêm và bình yên”.
Cũng vào mồng 6 tháng Giêng, huyện Mỹ Ðức tổ chức khai hội chùa Hương. Năm 2017, chùa Hương đã đón 1,5 triệu lượt khách. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Ðức Nguyễn Văn Hậu, năm nay, chùa Hương kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, cho nên lượng khách đến chùa đông hơn mọi năm. Riêng ngày khai hội đã có khoảng 50 nghìn lượt khách. Khách tham quan đông, trong ngày khai hội và dịp rằm tháng Giêng, đôi lúc xảy ra ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, vận động được làm tốt, cho nên tình trạng đốt vàng mã giảm đáng kể, cũng không còn cảnh khách hành hương đặt tiền lẻ vào tay tượng Phật, hoặc nhét vào các khe đá, gây phản cảm; hiện tượng tranh giành lộc nhà chùa đã không xảy ra. Năm 2018, Ban Tổ chức cũng không cho phép xuồng máy hoạt động tại suối Yến. 4.500 thuyền chở khách đều được thống nhất sơn mầu xanh. Việc trang bị phao cứu sinh cho các thuyền được siết chặt. Bởi vậy, khách thập phương yên tâm hơn trên hành trình vãn cảnh. Ðể bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng công an huyện được tăng cường, tổ chức các phương án phân luồng giao thông khi đông khách. Ban tổ chức cũng thông báo đường dây nóng, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý phản ánh của khách hành hương.
Ở các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố như: gò Ðống Ða (quận Ðống Ða), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Cổ Loa (huyện Ðông Anh)… nhìn chung tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, không có tình trạng cờ bạc, bói toán hay đốt vàng mã tràn lan.
“Bệnh” cũ khó chữa
Tuy nhiên, tại những cụm di tích khác, do công tác tổ chức, quản lý chưa tốt, cho nên vẫn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Khách đến vãn cảnh, hoặc đi lễ tại cụm di tích đình, đền Bia Bà (quận Hà Ðông) những ngày gần đây đều chứng kiến cảnh hàng quán bủa vây ngay từ khu vực cổng vào cụm di tích, tràn cả vào sân di tích thuộc khu vực bảo tồn cấp 1. Sân sau di tích cũng la liệt các quán bán hàng ăn. Do không bị ai nhắc nhở, khách hành hương tùy tiện thắp hương, khiến không khí trong đình và trong đền đều đặc quánh mùi hương. Tại đây luôn có đội ngũ “cúng thuê” đông đảo, xếp ghế chiếm chỗ đẹp nhất trước ban thờ. Khi được hỏi tại sao đội ngũ cúng thuê tồn tại lâu năm mà chưa bị xử lý, đại diện Ban quản lý di tích liên tục “kêu khó”. Tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), tuy không treo biển “xem tướng, xem tử vi” như mọi năm, nhưng tại nhiều bàn viết sớ thuê, hễ thấy khách đi qua là xuất hiện lời chào mời: “Anh (chị) có xem tử vi, xem tay không?”.
Năm nay, do Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam có công văn về việc không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, cho nên tình trạng đốt vàng mã tại chùa giảm. Nhưng tại các đền thờ, miếu, phủ, tình trạng đặt tiền lẻ không đúng nơi quy định, đốt vàng mã vẫn diễn ra tràn lan. Tiền lẻ xuất hiện ở mọi chỗ tại phủ Tây Hồ, rải từ ban thờ phía trên, bệ thờ dưới đất. Vàng mã cũng “ngập” các ban thờ. Do lượng khách đông cho nên khu vực đốt vàng mã luôn “đỏ lửa”, mọi người phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt. Tại đền Rừng, một di tích thờ Mẫu nổi tiếng trên địa bàn quận Long Biên, vàng mã chất cao quá đầu người, những con ngựa mã cao đến hơn 2 m cũng được đốt hết lượt này đến lượt khác. Tại phần lớn các di tích, nạn đổi tiền lẻ để ăn chênh lệch chỉ giảm, hoặc chuyển từ công khai sang lén lút chứ chưa chấm dứt hẳn.
Tại chùa Hương, vẫn còn tình trạng chủ thuyền “gạ gẫm” khách bồi dưỡng thêm. Quy định các thuyền bắt buộc phải trang bị phao cứu sinh, song, vẫn không ít chủ thuyền trang bị kiểu “cho có”. Một số thời điểm vắng bóng lực lượng chức năng, vẫn xảy ra việc bày bán thịt thú rừng gây phản cảm.
Theo phân cấp, việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội đều thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Mỗi di tích đều có một ban quản lý với sự tham gia của chính quyền, các đoàn thể và những người quản lý di tích. Từ thực tế hoạt động của các di tích, lễ hội, có thể thấy, hoạt động có bảo đảm an toàn, văn minh hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính quyền cơ sở. Với huyện Sóc Sơn, ngay từ cuối năm 2017, UBND huyện đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lấy ý kiến của người dân địa phương về việc thay đổi nghi thức rước và phát lộc, nhưng không thay đổi bản chất của lễ hội. Kết quả của thay đổi đó chính là một mùa lễ hội yên bình, để lại ấn tượng tốt trong lòng khách hành hương. Lễ hội đền Hai Bà Trưng cũng là một hình mẫu tốt về công tác tổ chức. Không chỉ khu vực bảo vệ cấp 1, khu vực ngoại vi cũng không được phép kinh doanh, mà dành không gian cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Các ki-ốt kinh doanh do Hội Phụ nữ các xã trên địa bàn đảm nhiệm, nhờ vậy, đã không xuất hiện những hình ảnh phản cảm, ngay cả trong ngày chính hội đông người.
Ngoài nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể, để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, rất cần sự hợp tác của người dân. Vào những ngày cao điểm, nhiều lối đi của chùa Hương ngập trong rác do những người thiếu ý thức xả ra. Dù Ban tổ chức các lễ hội có chuẩn bị kỹ càng đến đâu nhưng người dân không thay đổi ý thức, vẫn cố tình đốt vàng mã, rải tiền lẻ, nhét tiền lẻ vào tay tượng… thì những hình ảnh phản cảm sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện. TP Hà Nội đang đẩy mạnh “lấy xây để chống”, cụ thể là triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng (trong đó có quy tắc ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo) để hạn chế những tình trạng nêu trên. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Ðộng cho biết, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai bộ quy tắc nói trên. Hy vọng với hàng loạt giải pháp đã triển khai, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đơn vị chủ quản, mùa lễ hội năm nay tại Hà Nội sẽ thật sự chuyển biến và đi vào nền nếp. Người dân thành phố và khách du lịch sẽ được vui lễ hội, đi lễ trong một không gian yên bình, văn hóa và văn minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()