Cần nỗ lực để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 cho giai đoạn 2016 – 2020, ngoại trừ một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như: Tỷ lệ GDP bình quân đầu người; Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
(Ảnh: quochoi.vn)
Sáng 15/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28.
Cho ý kiến về công tác nhân sự
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành cho ý kiến các báo cáo đánh giá về: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, cho ý kiến các báo cáo về: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, địa phương năm 2018; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2019-2021; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Cũng trong phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào các báo cáo về: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.
UBTVQH cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Đặc biệt, tại phiên họp này, UBTVQH tiến hành cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và cho ý kiến về công tác nhân sự.
Ngoài ra, cũng trong phiên họp, UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; thành lập phường Tiến Thành thuộc thị xã Đồng Xoài và thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp cuối để rà soát lại các công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Với thời gian hạn chế trong 3 ngày, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trình bày báo cáo ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chủ yếu, nhất là các báo cáo về kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách; đề nghị các thành viên UBTVQH tập trung nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến sâu sắc.
Cần phân tích rõ động lực tăng trưởng GDP
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, trong 12 chỉ tiêu Quốc hội giao dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực; quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ đô la Mỹ; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế.
Cụ thể, cơ quan thẩm tra cho rằng, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của doanh nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng nhìn nhận giáo dục đạt được những thành tích đáng kể trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi THPT quốc gia còn bất cập, xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số tỉnh…
Thách thức mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu tổng quát được nêu trong Tờ trình của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước của năm 2018 đều xuất siêu.
Đối với chỉ tiêu Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4% là tương đối phù hợp, tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020. Một số chỉ tiêu như tỷ lệ lao động qua đào tạo (60-62%), tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch (88%) còn có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra vào năm 2020, đề nghị cần đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi có hiệu quả. Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và tận dụng những cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, lựa chọn thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý.
Tập trung cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, giảm bội chi NSNN. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Bố trí đủ nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình, dự án đã phê duyệt. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra đề nghị nâng cao chất lượng các kỳ thi, đặc biệt khâu giám sát và thanh tra, xử lý vi phạm để các kỳ thi thực hiện nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Rà soát thống nhất về chương trình giáo dục các cấp, bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ, tránh lãng phí, tạo độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa…
Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh: Với những kết quả đã đạt được và hạn chế của 3 năm 2016-2018, dự kiến kế hoạch năm 2019 như đã nêu trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 cho giai đoạn 2016 – 2020, ngoại trừ một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, gồm các chỉ tiêu như: Tỷ lệ GDP bình quân đầu người; Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ; Tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Ngoài ra, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn./.
Ý kiến ()