Chiều ngày 14/10, tại buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ.Cần những giải pháp thiết thực, khả thi trong phòng, chống tham nhũngBáo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân và dư luận quốc tế….Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng thừa nhận rằng, nhìn chung, tình trạng tham nhũng vẫn còn phức tạp, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.Chính phủ kiến nghị Quốc hội xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản...
Chiều ngày 14/10, tại buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của Chính phủ.
Cần những giải pháp thiết thực, khả thi trong phòng, chống tham nhũng
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ: Công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân và dư luận quốc tế….Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng thừa nhận rằng, nhìn chung, tình trạng tham nhũng vẫn còn phức tạp, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng, tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai tất cả các mặt về hoàn thiện thể chế, chính sách, củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật và đạt được những kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán được tăng cường, qua đó phát hiện nhiều sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, điều hành kinh tế -xã hội; đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm.
Mặc dù vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao. Người dân, ngay cả cán bộ, công chức, viên chức vẫn coi phòng chống tham nhũng là công việc của Nhà nước, ít quan tâm tới việc phát hiện, tố cáo tham nhũng. Một bộ phận người dân vì công việc riêng sẵn sàng đưa hối lộ để được việc.
Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, nhiều hạn chế đã được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra những năm trước vẫn chưa được khắc phục. Báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ cơ quan nào làm tốt hay chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng, cũng chưa làm rõ được là tham nhũng tăng hay giảm.
Ủy ban Tư pháp đề nghị cần đề ra những giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực, khả thi và có hiệu quả, nhất là xác định rõ hơn trách nhiệm của các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần phân tích rõ những mặt được, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức chống tham nhũng hiện nay.
Ý thức tiết kiệm trong tiêu dùng của nhân dân chưa nâng cao
Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên của năm 2011 để tạo nguồn cải cách tiền lương; đồng thời chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên là 3.857,7 tỷ đồng. Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tăng thu và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2011, ưu tiên dùng các nguồn này cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, đã tăng cường quản lý, giám sát nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp; kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của Quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn. Đã dành 8.500 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2010 để chi trả nợ và giảm bội chi ngân sách nhà nước từ 6,2% xuống còn 5,6% và dự kiến sẽ tiếp tục dành 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu năm 2011 để giảm bội chi xuống mức 4,9% GDP.
Các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng; tiết giảm chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Theo số liệu báo cáo sơ bộ của một số bộ, ngành, địa phương số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng, trong đó: ô tô 514,4 tỷ đồng, điều hoà nhiệt độ 184,6 tỷ đồng, thiết bị văn phòng 328 tỷ đồng và tài sản khác là 54,3 tỷ đồng….
Thẩm tra việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá: Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cho rằng tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau. Báo cáo của Chính phủ và hầu hết báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đánh giá về tình trạng lãng phí còn thiếu tính cụ thể.
Qua thẩm tra, giám sát về kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 9 tháng đầu năm 2011, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách thấy nổi lên một số tồn tại. Đó là: vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm.
Công tác quản lý, sử dụng đất ở một số địa phương còn chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, trong khi các Khu Công nghiệp hiện có chưa lấp đầy thì một số địa phương tiếp tục mở rộng Khu Công nghiệp trên đất trồng lúa; tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp, gây nhiều khiếu kiện . Một số nơi buông lỏng quản lý để dân lấn chiếm đất, làm nhà trái phép hoặc giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để hoang hóa; tình trạng quy hoạch treo vẫn còn ở nhiều địa phương, gây lãng phí lớn và khắc phục chậm…
Đáng lưu ý, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá: Trong tiêu dùng của nhân dân vẫn còn lãng phí, ý thức tiết kiệm chưa thực sự được nâng cao. Tâm lý tiêu dùng còn thực dụng, phô trương, hình thức; tiêu dùng vượt quá mức thu nhập bình quân, tình trạng sính hàng ngoại như: ô tô, xe máy, điện thoại di động, mỹ phẩm và lương thực, thực phẩm, rượu, bia …, đang nẩy sinh trong một bộ phận dân cư có thu nhập cao. Cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chưa thực sự vào cuộc sống. Năm 2011 có khoảng 500 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương đã gây lãng phí lớn cho xã hội.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội- tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chú trọng lĩnh vực đầu tư phát triển, lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; lĩnh vực sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước và cho phép xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm sau để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có điều kiện tổng kết và báo cáo công tác trong cả năm hoạt động.
Đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên qua đến Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cải cách hành chính. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với một số lĩnh vực nhạy cảm dễ gây thất thoát, lãng phí lớn như: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý nhà công vụ; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến ()