Cần những giải pháp đồng bộ
LSO-Với đặc thù một tỉnh miền núi, những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp luôn được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần có sự quan tâm của các cấp, ngành với những giải pháp đồng bộ.
Cựu chiến binh xã Hợp Thành (Cao Lộc) trồng và quản lý rừng thông |
Hơn 3 ha đất lâm nghiệp giáp ranh giữa xã Vân Thủy (Chi Lăng) và Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) vẫn đang trong tình trạng tranh chấp giữa các hộ dân và tổ chức đoàn thể. Qua tìm hiểu được biết, từ năm 1999, các tổ chức đoàn thể xã hội xã Vân Thủy được giao trồng và quản lý 7 ha rừng thông ở khu vực thôn Bản Thí. Tuy nhiên, do không có ranh giới rõ ràng nên các tổ chức này đã trồng lấn sang đất của thôn Quảng Hồng I (xã Quảng Lạc) 3 ha. Các hộ gia đình của xã Quảng Lạc đã nhiều lần kiến nghị về việc này, nhưng không được giải quyết do không có căn cứ pháp lý – giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ).
Ông Hoàng Văn Phách, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: “Trước đây, các tổ chức đoàn thể của xã được giao quản lý đất rừng đã trồng cây lấn sang đất của xã Quảng Lạc. Sau khi rừng thông khai thác hết (tháng 4/2016), các hộ gia đình xã Quảng Lạc đã bắt đầu cuốc hố trồng cây và đến nay đã lấn cả sang phần đất của xã bên này. Cấp ủy, chính quyền xã rất mong có sự quan tâm, phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành để có biện pháp giải quyết thỏa đáng, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất rừng, tránh xảy ra những mâu thuẫn không đáng có”.
Được biết, hiện nay toàn xã Vân Thủy có hơn 100 ha đất rừng của tập thể quản lý (thuộc địa phận các thôn Bản Dù, Nà Lìu, Bản Thí) nhưng đến nay vẫn chưa được giao văn bản giấy tờ cụ thể, trên thực tế cũng không có mốc nên không xác định được ranh giới. Toàn xã có 900 hộ gia đình được cấp GCN QSDĐ, trong đó có những giấy cấp sai tên, bị chồng lấn thửa phải đổi lại. Đến nay, xã còn khoảng 400 ha đất rừng do cá nhân quản lý chưa có GCN. Điều này cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn tranh chấp giữa tập thể và cá nhân nếu như không quản lý tốt.
Không chỉ tiềm ẩn mâu thuẫn, tranh chấp, việc quản lý và sử dụng đất rừng không có GCN QSDĐ còn gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới ở một số xã. Ông Hoàng Văn Huy, trưởng thôn Bản Khuông, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, rừng của thôn được xã chọn, quy hoạch làm bãi chăn nuôi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do phần đất này tiếp giáp với đất của một số gia đình ở các thôn lân cận. Nay hơn 10 hộ dân ở xã Đồng Ý sang phát nương làm rẫy, xâm canh nhưng thôn cũng không xử lý được do không có căn cứ pháp lý chứng minh”.
Từ những câu chuyện thực tế trên cho thấy, việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: quá trình giao đất trồng rừng có sự chồng lấn giữa các doanh nghiệp, tổ chức, ban quản lý rừng và người dân; việc bàn giao đất lâm nghiệp chỉ tiến hành trên hồ sơ giấy tờ, chưa chú trọng việc cắm mốc giới cho chủ rừng ngoài thực địa, dẫn đến việc chồng chéo, tranh chấp, lấn chiếm…
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Sơn Hải, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo số liệu thống kê, tỉnh ta hiện có hơn 627 nghìn héc ta diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, phần lớn đất lâm nghiệp được giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước sử dụng; ngoài ra đã cấp hơn 91.000 GCN QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 233 nghìn héc ta. Còn một số ít đất lâm nghiệp hiện nay chưa được cấp GCN QSDĐ, bởi đang có tranh chấp. Mặt khác, do bản đồ hiện nay sử dụng có tỷ lệ nhỏ 1/10.000 nên có những khu vực không có trên bản đồ, rất khó cấp giấy GCN QSDĐ cho hộ gia đình.
Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các ngành hữu quan; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong việc lập hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp GCN QSDĐ; đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc cắm mốc ranh giới giữa các chủ rừng; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Qua đó khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình đầu tư vốn, nhân lực vào chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
MINH NGỌC
Ý kiến ()