Cần nhiều hơn sự chia sẻ của cộng đồng
LSO-Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn đang từng ngày, từng giờ ám ảnh những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và người thân của họ. Những cơ thể bị dị dạng, tật nguyền, những đứa bé cười, khóc, la hét một cách vô thức, đó là những hình ảnh, những thân phận đang phải gánh chịu nỗi đau từ chiến tranh. Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, hiện nay vẫn còn gần 1.000 nạn nhân chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.
Ông Hoàng Văn Chúng bên kỷ niệm chương của Hội chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị |
Năm 1964, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Hoàng Quang Minh (sinh năm 1947), khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn đã tình nguyện tham gia làm công nhân thuộc Tổng đội III – Bộ Quốc phòng. Đến năm 1967, ông được chuyển vào miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng – Đà. Ông nhiều lần bị thương do bom đạn, hậu quả chiến tranh để lại là 3 người con trai và 5 cháu nội của ông bị nhiễm chất độc da cam.
Ông Minh cho biết: Hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội, tôi về quê lập gia đình và sinh được 3 người con, nhưng cả 3 đứa đều bị di chứng của chất độc hóa học. Từ khi sinh ra, đứa nào cũng còi cọc, càng lớn sức khỏe càng yếu đi và xuất hiện các u bướu mọc đầy người. Vợ chồng tôi không tiếc công sức, tiền của từ đồng lương hưu ít ỏi của mình dồn vào chữa chạy. Nhưng bao nhiêu cố gắng, tài sản tích góp được đều ra đi trắng tay. Mãi về sau, các con tôi cũng lập gia đình riêng và sinh được 5 người cháu, nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn cứ ám ảnh gia đình tôi. Cả 5 người cháu đều mang di chứng chất độc hóa học. Cho đến nay, chỉ có tôi và 3 người con trai được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, còn 5 đứa cháu thuộc thế hệ thứ 3 vẫn chưa có chế độ.
Thực tế trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện vẫn còn nhiều trường hợp NNCĐDC đang từng ngày, từng giờ vật lộn với cuộc sống bệnh tật mà hiện nay vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Điển hình như trường hợp ông Trần Đình Long, khối 7, phường Tam Thanh, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Xong nghĩa vụ quân đội, ông trở về quê hương lập gia đình, sinh con cái nhưng bản thân ông đã bị nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe suy yếu. Chất độc hóa học ngày càng ăn mòn cơ thể ông nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không thể thường xuyên đi chữa trị. Hiện nay, ông đang bị bệnh tiểu đường và biến chứng sang thận. Mỗi tuần ông phải đến bệnh viện chạy thận 1 lần.
Trường hợp ông Hoàng Văn Chúng, khối 8, phường Tam Thanh cũng tương tự. Ông Chúng là chiến sỹ bảo vệ thành cổ, Quảng Trị, bị liệt, nằm liệt giường gần 10 năm nay. Ông đã được nhận kỷ niệm chương của Thành Cổ Quảng Trị, có đầy đủ giấy tờ để làm hồ sơ, huân huy chương và bệnh án, mong xác nhận là NNCĐDC để được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Qua kết quả khám, ông Chúng bị mắc bệnh đái tháo đường type 2 có liên quan tới phơi nhiễm chất độc hóa học. Nhưng trong biên bản khám giám định của Hội đồng Giám định y khoa của tỉnh lại không ghi bị ảnh hưởng bao nhiều phần trăm cho nên đến nay, ông Chúng vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp.
Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội NNCĐDC Lạng Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 1.125 người nghi nhiễm chất độc hóa học, nhưng cho đến nay mới có 180 người (trong đó: 106 người là nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến, 55 người là con của nạn nhân và 19 người là thế hệ thứ 3) được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Số nạn nhân còn lại đang mang trong mình những bệnh hiểm nghèo như ung thư, tâm thần, vô sinh, bị dị dạng, dị tật, thậm chí liệt toàn thân. Do sức khỏe giảm, không có khả năng lao động nên hầu hết các NNCĐDC đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bởi vậy, họ đang rất cần được quan tâm, hỗ trợ để góp phần xoa dịu nỗi đau mà họ phải gánh chịu.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()