Cần nhiều giải pháp đồng bộ
LSO - Những năm gần đây, tình trạng phụ nữ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã biên giới xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê đang có chiều hướng gia tăng. Để khắc phục tình trạng này, các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng đang có nhiều giải pháp đồng bộ.
Cán bộ Hội LHPN Việt Nam chia sẻ thông tin với hội viên phụ nữ huyện Cao Lộc
RỦI RO KHÓ LƯỜNG
Mặc dù đã trở về nhà an toàn nhưng nhiều ngày nay, chị Hà Thị Giáp, thôn Còn Phạc, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc vẫn chưa hết bàng hoàng. Đầu năm 2015, chị Giáp cùng một số phụ nữ trong thôn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm nghề chặt mía thuê. Chuyện xảy ra khi 2 người trong nhóm của chị bị lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra đã không thể xuất trình giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động nên bị bắt giữ, vậy là số tiền làm thuê chặt mía của họ trong gần 2 tháng không nhận được. Chị Giáp chia sẻ: không chỉ bị bắt giam và tịch thu tài sản, tôi đã nhiều lần chứng kiến những lao động trái phép bị chủ sử dụng lao động lừa đảo, gặp cướp, làm việc trong môi trường độc hại. Mặc dù biết vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phần lớn những phụ nữ vùng giáp biên như tôi vẫn lựa chọn cách đi theo nhóm sang Trung Quốc làm thuê.
Thực tế, câu chuyện của những phụ nữ DTTS vùng giáp biên như chị Hà Thị Giáp đang trở thành tình trạng phổ biến hiện nay. Nguyên nhân chính của tình trạng phụ nữ di cư lao động qua biên giới là do trình độ dân trí thấp, phần lớn là người sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, tranh thủ thời gian nông nhàn vượt biên sang làm thuê. Theo thống kê, lao động sang biên giới làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 80%, trong đó công việc chặt mía chiếm 61% với thu nhập bình quân từ 50-100 nhân dân tệ/ngày (tương đương từ 150.000-270.000 nghìn đồng/ ngày).
Bà Đặng Thị Kiều Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: trong 5 năm trở lại đây, số lao động xuất cảnh trái phép đã tăng đột biến, tập trung nhiều nhất tại các xã biên giới. Không thể phủ nhận việc phụ nữ di cư lao động đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đặc biệt là cho hộ nghèo. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đều là tự phát, không thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, vì vậy, quyền lợi không được đảm bảo hoặc nguy hiểm hơn, họ còn có thể là nạn nhân của các đối tượng buôn bán người. Ngoài ra, hệ lụy của tình trạng này còn dẫn đến việc mất an ninh trật tự trên địa bàn, trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật do không có sự dạy dỗ của người mẹ…
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Tại buổi làm việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thực trạng của phụ nữ DTTS di cư lao động qua biên giới được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, các sở, ban ngành và lực lượng chức năng của tỉnh đã cùng đề ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Trong đó, giải quyết nhu cầu việc làm và phát triển mô hình kinh tế đang là biện pháp được các cơ quan liên quan ưu tiên thực hiện. Ông Trần Văn Quý, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2015, Sở đã phối hợp tổ chức được 27 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, 103 lớp dạy nghề nông nghiệp cho gần 4.300 học viên với tổng kinh phí là 6,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở còn tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, công ty lớn như Samsung tại tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương… Đối với người dân tại các xã biên giới, hiện nay Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện việc nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế. Đến nay, các xã biên giới đã phát triển thành công các mô hình như trồng thạch đen (xã Quốc Khánh và Đội Cấn, huyện Tràng Định), trồng thông (tại xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình và xã Bính Xá, huyện Đình Lập)… Được biết, với việc nhân rộng các mô hình kinh tế đã đem lại thu nhập cho các hộ tham gia dự án từ 50 – 60 triệu đồng/ năm.
Cao Lộc là huyện biên giới với 6 xã, thị trấn có đường giáp biên và là huyện có lượng phụ nữ di cư lao động qua biên giới khá cao. Ông Đoàn Hữu Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho chị em phụ nữ, đặc biệt chú trọng tại các thôn, xã biên giới. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng (Chương trình 135), quản lý đường biên mốc giới (Chương trình 120)… Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của chị em đã được nâng cao và có chuyển biến tích cực, số lượt người xuất cảnh trái phép trong 2 năm trở lại đây đã có dấu hiệu giảm.
Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Để giải quyết tận gốc tình trạng xuất cảnh trái phép qua biên giới, bên cạnh nhiều biện pháp như tuyên truyền, giáo dục, nâng cao cảnh giác của nhân dân trước các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thì các cấp, các ngành và lực lượng chức năng cần vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực. Qua đó giúp người lao động yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Từ năm 2010 đến tháng 5/2015, toàn tỉnh có trên 39.000 lượt phụ nữ vượt biên đi làm thuê, trong đó, số lượt người trên địa bàn tỉnh là 29.000 người, số lượt người từ các tỉnh khác là 10.000 người. Đã có 570 trường hợp phụ nữ bị bắt và trao trả, 170 phụ nữ bị lực lượng chức năng của Trung Quốc xử lý vi phạm và 2 trường hợp bị chết.
Bài, ảnh: Khánh Trang
Ý kiến ()