Cân nhắc phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính
Ngày 16-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Chương trình làm việc được truyền hình trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố để thảo luận dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.
Thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, hầu hết ý kiến đều nhất trí giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay. Cụ thể, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Phạm Ngọc Tuấn (Ðồng Nai) và nhiều đại biểu tán thành phương án 1, quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Ðiều 110 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HÐND và UBND).
Phương án này, theo phân tích của các đại biểu, sẽ bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị của nước ta. Như thế ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Ðảng, đoàn thể chính trị, xã hội, TAND, Viện KSND và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc. Phương án này còn đáp ứng yêu cầu phải có sự kiểm soát của HÐND đối với UBND các cấp; bảo đảm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải được giám sát bởi cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra; việc tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính cơ sở thể hiện chính quyền đó gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ðại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu cho rằng, sự khác biệt trong quản lý nhà nước ở nông thôn, đô thị, hải đảo được thể hiện rõ ở nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, cho nên dù mô hình tổ chức giống nhau vẫn có thể điều chỉnh các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định tại Ðiều 111 của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, khi tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính thì cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và làm rõ ngay trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Nếu không dễ dẫn đến sự đồng nhất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của HÐND hiện nay còn hình thức; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; cần quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HÐND theo hướng tập trung quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương như: ngân sách, nhân sự, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào việc giám sát hoạt động của UBND… Ðại biểu Lê Thị Phương Hoa (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND theo hướng xác định cụ thể nhiệm vụ của UBND và chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính, để từ đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể. Theo đó, UBND tập trung xây dựng và trình HÐND quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND ngoài việc lãnh đạo, điều hành công việc của UBND, còn có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của HÐND và UBND, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính ở địa phương.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()