Cân nhắc một số tiêu chí để tạo thuận lợi hơn cho các giao dịch điện tử
Góp ý với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (dự kiến được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung một số tiêu chí nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao dịch điện tử, cũng như tạo lập một khung khổ pháp lý vững chắc để xây dựng nền kinh tế số Việt Nam ngày càng phát triển.
Có một khung khổ pháp lý cho giao dịch điện tử sẽ tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. |
Qua đó, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, nhằm bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp và người dân trong giao dịch điện tử, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia,…
Bảo đảm thông thoáng trong giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được xem là dự án luật rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay trước xu thế thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử là tất yếu và sẽ chiếm ưu thế trong tương lai gần.
Theo VCCI, tại Điều 25.1 của Dự thảo quy định chữ ký điện tử đủ điều kiện bảo đảm an toàn được có thể thay cho chữ ký của cá nhân. Tuy nhiên, Dự thảo không có quy định nào về các tiêu chí để xác định chữ ký điện tử được coi là bảo đảm an toàn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nội dung này, nói cách khác có thể cân nhắc lại quy định tại Điều 22 Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Phân tích kỹ về vấn đề này, VCCI cho rằng, Điều 28.1.đ của Dự thảo quy định một trong các điều kiện công nhận chữ ký điện tử nước ngoài là đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch điện tử với đối tác nước ngoài mà chứng thư chữ ký điện tử của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó.
Tuy nhiên theo VCCI, quy định này chưa thật sự hợp lý vì rất khó cho các tổ chức, cá nhân của Việt Nam biết được liệu các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước đã hay chưa được công nhận tại nước của đối tác. Quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với đối tác nước ngoài.
Chưa kể, Điều 28 của Dự thảo cũng quy định việc sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài khi đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định.
Quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu rằng tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua một “bài kiểm tra” về giá trị pháp lý. Tuy nhiên, theo phân tích của VCCI, cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử nhất định bởi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên.
Giao dịch thương mại có đặc điểm tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của doanh nghiệp, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Điều 4.2 Dự thảo cũng đề cập đến nguyên tắc này, cụ thể cho phép các bên có quyền tự do lựa chọn phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch.
Việc giải quyết tranh chấp sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp dựa vào độ tin cậy của phương tiện điện tử để ra quyết định mà không cần được cơ quan nhà nước công nhận. Việc công nhận từ cơ quan nhà nước chỉ nên được coi như một sự bảo đảm về mặt pháp lý (gần như không bị xem xét lại), không nên được coi như điều kiện tiên quyết để có giá trị pháp lý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài để tránh làm tăng chi phí cho các bên, tạo rào cản cho giao dịch xuyên biên giới.
Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Bên cạnh đó, góp ý quy định về các điều kiện để việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý tại Điều 14 của Dự thảo. VCCI cho rằng, việc đưa ra các tiêu chuẩn cho việc chuyển đổi giữa hai hình thức “giấy” và “điện tử” có ý nghĩa như căn cứ để các bên xem xét, tin tưởng giá trị của hình thức chuyển đổi. Tuy vậy, cần lưu ý rằng việc lựa chọn công nghệ và cách thức thực hiện nên cố gắng thiết kế theo hướng mở nhất.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn, mua sắm các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: HÀ THU) |
Theo VCCI, một mặt, Dự thảo vẫn nên quy định một số phương thức “chuẩn”, có tính an toàn cao và sẽ có giá trị pháp lý mà không cần xem xét lại. Đây được coi là các điều kiện chuẩn mà các bên có thể lựa chọn tuân thủ để hạn chế các rủi ro pháp lý có thể xảy ra, đặc biệt trong trường hợp các bên chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, chẳng hạn trong lần đầu giao dịch. Đương nhiên, các bên sẽ phải chấp nhận chi trả thêm chi phí cho giao dịch này,…
Thực tế, đối với văn bản giấy, pháp luật đã cho phép các bên được sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo đảm bản sao giống bản gốc. Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định bản sao có giá trị pháp lý khi bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính. Điều này có nghĩa là các bản sao được tạo ra theo cách thức này được mặc định có giá trị pháp lý (mà không cần kiểm tra lại).
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc tiếp nhận thông điệp dữ liệu chuyển đổi từ văn bản giấy của cơ quan nhà nước theo hướng chấp nhận thông điệp dữ liệu đáp ứng yêu cầu tại Điều 14.1 Dự thảo hoặc thông điệp dữ liệu chuyển đổi từ văn bản giấy (chẳng hạn, bản scan, bản chụp) và nộp kèm bản chính để đối chiếu.
Ngoài những vấn đề trên, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số quy định liên quan đến nội dung: Điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; Dữ liệu mở; Nền tảng số; Nền tảng số trung gian; Trách nhiệm của bên xử lý dữ liệu,…
Nguồn:https://nhandan.vn/can-nhac-mot-so-tieu-chi-de-tao-thuan-loi-hon-cho-cac-giao-dich-dien-tu-post754038.html
Ý kiến ()