Cân nhắc kỹ về chế định ly thân
Ngày 26-11, thảo luận tại hội trường về dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc kỹ về chế định ly thân trong luật nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
– Ngày 26-11, thảo luận tại hội trường về dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc kỹ về chế định ly thân trong luật nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng trên thực tế rất khó để xác định một cặp vợ chồng đang trong tình trạng ly thân vì đây là quan hệ rất riêng tư. Có những cặp vợ chồng tuy sống cùng một nhà nhưng họ vẫn ly thân. Do đó, không thể định nghĩa như dự thảo luật… ly thân là tình trạng hôn nhân mà vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau ở Khoản 14, Điều 7.
Đại biểu cho rằng bản chất của ly thân không trầm trọng như ly hôn mà là tạm thời chia cắt về mặt tình cảm, không chấm dứt quan hệ với con cái, quan hệ tài sản và quan hệ hai bên nội ngoại. Nhưng dự thảo luật quy định các vấn đề liên quan đến ly thân gần như xem ly thân là một bước để tiến tới ly hôn. “Theo tôi nếu quy định ly thân như dự thảo luật không những không góp phần ổn định gia đình, đời sống của vợ chồng mà còn làm suy yếu và dễ dẫn đến đổ vỡ” đại biểu Hoàng nhấn mạnh.
Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu), Khúc Thị Duyền (Thái Bình), Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa)…đưa ra nhiều phân tích về chế định ly thân đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ các điều luật quy định trong chế định này. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng phải cân nhắc việc bổ sung chế định này vào dự thảo luật vì chưa đủ căn cứ thực tiễn. Với đặc điểm của văn hóa Việt Nam rất ít người muốn công khai tình trạng ly thân. Mặt khác, ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, không nhất thiết phải có sự can thiệp của tòa án. Tránh tình trạng lợi dụng ly thân để biến ly thân thành hôn nhân treo mà đối tượng thiệt thòi là phụ nữ và trẻ em.
Đại biểu Khúc Thị Duyền không nhất trí đưa vấn đề ly thân vào trong dự thảo luật vì cho rằng ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Chế định này ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ tình cảm của một trong hai bên, đặc biệt là tác động rất sâu sắc mọi mặt đến người vợ và con trẻ cũng như các thành viên trong gia đình. Trong tình trạng ly thân, đa phần phụ nữ không có điều kiện về nơi ở mới cho nên buộc vẫn phải sống cùng với gia đình và đây là một áp lực rất lớn đối với cuộc sống của họ. Thực tế mục đích của ly thân là nhằm giảm thiểu xung đột gay gắt trong quan hệ vợ chồng, cặp vợ chồng mong muốn không để mọi người biết về mâu thuẫn, nếu ly thân cũng phải ra tòa thì sẽ là không hợp lí. “Trong thực tế có trường hợp ly thân, bạo lực, áp lực về tinh thần còn nặng nề và hơn cả bạo lực về thể xác. Về vấn đề ly thân theo quan điểm của tôi là không nhất trí đưa vào trong dự thảo luật”. Đại biểu Duyền khẳng định.
Đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị không nên coi ly thân là một sự kiện pháp lý như ly hôn và ly thân không cần phải do tòa án quyết định, kể cả khi vợ chồng có yêu cầu. Luật chỉ nên quy định vấn đề ly thân mang tính nguyên tắc, tức là tôn trọng quyền ly thân của vợ chồng trong hôn nhân.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi cho rằng một số điều, khoản trong mục ly thân chưa logic với các điều khác, ví dụ như Điểm b, Khoản 2, Điều 66 quy định là kể từ ngày ly thân có hiệu lực, vợ, chồng có quyền sở hữu riêng đối với tài sản mà mỗi bên có được, nhưng Điều 43 về tài sản riêng của vợ, chồng lại không bao gồm tài sản này. Do đó, nếu như luật vẫn để chế định ly thân thì phải bổ sung vào Điều 43 là tài sản riêng của vợ chồng là tài sản có được sau khi việc ly thân có hiệu lực. Điều 129 quy định ly thân có yếu tố nước ngoài trong nhiều trường hợp rất khó thực hiện. Nếu công dân Việt Nam yêu cầu tòa án giải quyết ly thân, tòa án Việt Nam thụ lý sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tống đạt văn bản tố tụng, nhất là đối với những nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó cần xem lại quy định ly thân có yếu tố nước ngoài có nên đưa vào luật hay không, nếu đưa vào thì phải nghiên cứu để quy định chặt chẽ hơn.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ cho rằng nếu quy định trong luật về ly thân sẽ làm phát sinh thêm số lượng vụ án mà tòa án các cấp phải thụ lý. Quy định quyền yêu cầu ly thân trong Luật hôn nhân và gia đình vô hình chung làm cho tế bào gia đình trong xã hội liên kết thiếu bền vững và càng dễ dẫn tới rạn vỡ hạnh phúc của gia đình. Việc tồn tại ly thân kéo dài dẫn tới đời sống hôn nhân không trọn vẹn do đó đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em. Thực trạng trong xã hội ta hiện nay vẫn tồn tại tình trạng sống ly thân song đây là sự thỏa thuận mang tính riêng tư, tự nguyện, không cần thiết phải có sự can thiệp của tòa án. Việc tòa án cho một trong các bên được sống ly thân sẽ càng thúc đẩy tiêu cực trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()