Cần nghiên cứu giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở
Thầy và trò Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) trong giờ học môn vật lý |
Mất cân đối giữa các luồng
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn, 5 năm gần đây, cơ cấu học sinh tốt nghiệp THCS vào các luồng còn mất cân đối. Cụ thể có tới 80% học sinh vào THPT, 10% vào các trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp (GDTX – GDNN) và có 10% học sinh tham gia vào thị trường lao động trực tiếp. Đơn cử năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 97,9% học sinh (10.275 em) tốt nghiệp THCS; 79% (8.293 em) học tiếp THPT; 10,5% học sinh (1.105 em) học tiếp GDTX, học nghề; 10,4% học sinh (1.093 em) đi làm công nhân, lao động tự do và lao động nông nghiệp.
Cũng trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh chỉ có khoảng 50% học sinh thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả đăng ký xét tuyển đại học, còn lại 50% học sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp và không đi học tiếp. Đơn cử năm học 2016 – 2017 có tới 52,4% học sinh thi tốt nghiệp THPT để lấy bằng, chỉ có 47,6% học sinh thi tốt nghiệp để lấy kết quả xét tuyển tiếp đại học.
Những con số trên cho thấy công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cùng với đó, kết quả phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Tiến sĩ Lưu Bá Mạc, Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) phân tích: Do nhận thức của một bộ phận không nhỏ các em học sinh THCS và phụ huynh còn hạn chế đối với việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của học sinh. Trong đó nặng tâm lý muốn học lên THPT hơn là vừa học bổ túc vừa học nghề phù hợp. Vì thế, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS thi vào THPT hằng năm rất cao, ví dụ năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có khoảng 94,6% học sinh tốt nghiệp THCS thi vào THPT. Trong khi thị trường lại đang rất cần những lao động đã qua đào tạo nghề thì lại không có.
Cần có những nghiên cứu khoa học
Trước thực tế này, việc nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là hết sức cần thiết. Được biết, năm 2017, Sở GD&ĐT đã đề xuất thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh mang tên “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nhằm cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề tài được đề xuất thực hiện có những cơ sở nghiên cứu khoa học để đưa ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn góp phần điều chỉnh sự mất cân đối luồng sau khi học sinh tốt nghiệp THCS.
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nếu thực hiện đề tài, chúng tôi đưa ra mục tiêu sẽ nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hướng tới đạt tỷ lệ cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành, nghề đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian tới. Đề tài phấn đấu đạt mục tiêu định hướng phân luồng đào tạo phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh và nhu cầu việc làm của xã hội; tạo sự kết nối giữa nhu cầu của thị trường lao động tại tỉnh với nhu cầu đào tạo của các cơ sở đào tạo. Về chỉ tiêu phân luồng, phấn đấu đến năm 2023 chỉ còn 65% học sinh tốt nghiệp THCS thi vào THPT, 30% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vừa học bổ túc vừa học nghề phù hợp, chỉ còn 5% học sinh tốt nghiệp THCS làm lao động tự do.
Thầy Giang Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: “Trung bình mỗi năm nhà trường có hơn 300 học sinh tốt nghiệp THPT, tuy nhiên chỉ có 50% học tiếp đại học hoặc các trường chuyên nghiệp, số còn lại hầu hết làm lao động tự do, công nhân hoặc làm nông nghiệp chưa qua đào tạo nghề. Nếu việc phân luồng được thực hiện tốt đối với học sinh tốt nghiệp THCS sẽ giảm thiểu tình trạng này. Vì thế rất mong thời gian tới, ngành GD&ĐT và các đơn vị chức năng có những giải pháp hữu hiệu để làm tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS”.
Ý kiến ()