Cần nghiên cứu bảo tồn nguồn gen một số loài dược liệu quý hiếm, có giá trị cao
– 8 loài dược liệu gồm: Ngũ gia bì gai, Lá khôi, Đẳng sâm, Ba kích tím, Bình vôi, Hà thủ ô đỏ, Hoàng tinh hoa đỏ, Hoàng tinh hoa trắng có giá trị dược liệu cao, tuy nhiên hiện các loài này trong tự nhiên đã bị khai thác quá mức, nếu không có phương pháp bảo tồn, phát triển thì rất dễ bị biến mất.
Cây bình vôi bước đầu được trồng tại vườn thực nghiệm của Ban quản lý Rừng đặc dụng Hữu Liên
Theo kết quả khảo sát tiềm năng cây thuốc cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 788 loài cây thuốc thuộc 514 chi, 175 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm. Trong đó, có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như: ngũ gia bì, ba kích, kim tuyến, bình vôi… Qua đó, có thể khẳng định nguồn cây thuốc của tỉnh là phong phú, đa dạng. Các loài dược liệu trong có 8 loài gồm: ngũ gia bì gai, lá khôi, đẳng sâm, ba kích tím, bình vôi, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng tinh hoa trắng có ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp dược, chế biến thuốc y học cổ truyền cũng như giúp các nhà khoa học trong việc tìm ra các hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Cùng đó, hiện nay nhu cầu sử dụng và xuất khẩu dược liệu cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thời gian qua người dân trên địa bàn tỉnh khai thác tận thu quá mức, trong thời gian dài làm ảnh hưởng xấu đến số lượng chủng loại và tiềm năng phát triển của nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh cho biết: Chính sách quốc gia về y học cổ truyền đến năm 2020 đề ra chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền hằng năm. Trong đó, tuyến trung ương bằng 10%, tuyến tỉnh bằng 20%, tuyến huyện bằng 25%, tuyến xã bằng 40% số người được khám và điều trị hằng năm; 30% số thuốc được sản xuất lưu hành trong nước là thuốc y học cổ truyền. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 ông lang, bà mế, người làm thuốc nam sử dụng các loại cây dược liệu để điều trị bệnh. Phương châm của các thầy thuốc hội đông y là “Thầy thuốc tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại gia”, tuy nhiên, khó khăn chung mà các thầy thuốc nam trên địa bàn tỉnh gặp phải là lượng cây thuốc trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, muốn sử dụng phải mua nguyên liệu đã qua chế biến, khó kiểm định được chất lượng.
Công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã được các cấp, ngành quan tâm. Cụ thể UBND tỉnh ban hành Quyết định 1909/QĐ – UBND ngày 28/11/2011 về việc hê duyệt kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền đến năm 2020 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 142/KH- UBND ngày 9/12/2016 về thực hiện “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó nêu rõ về việc quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo hộ, bảo tồn nguồn gen tại các huyện, thành phố… Thực hiện các kế hoạch này, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh đã tiến hành đánh giá hiện trạng một số loài dược liệu chính của tỉnh tại 6 huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định; đánh giá hiện trạng khai thác, phát triển và sử dụng dược liệu trên địa bàn tỉnh; xây dựng danh mục cây thuốc tỉnh Lạng Sơn; danh mục cây thuốc cần bảo vệ; sưu tầm được hơn 200 bài thuốc dân gian sử dụng các loại dược liệu trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, một số đơn vị cũng đã và đang nghiên cứu, triển khai mô hình bảo tồn một số loại dược liệu quý như: ba kích tím, lan kim tuyến (tại Đình Lập), bảy lá một hoa (Lộc Bình), thạch hộc (Sở Khoa học và Công nghệ). Đặc biệt, trong năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống sa nhân tím bằng phương pháp tách chồi và xây dựng các tài liệu hướng dẫn bảo tồn, thâm canh… Đây là tiền đề để bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Bà Bế Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc nghiên cứu bảo tồn nguồn gen đối với 8 loài dược liệu kể trên đang được Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm lựa chọn là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Để bảo tồn các loài dược liệu quí trên sở đã tuyển chọn đơn vị thực hiện nghiên cứu và triển khai đề tài tại huyện Hữu Lũng. Không chỉ quan tâm việc bảo tồn nguồn gen, chúng tôi còn hướng đến xây dựng quy trình kỹ thuật bảo tồn, nhân giống, mở rộng diện tích trồng cũng như các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững. Từ đó, phổ biến rộng rãi cho người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập.
Lạng Sơn là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển các loài dược liệu như: ngũ gia bì gai, lá khôi, đẳng sâm, ba kích tím, bình vôi, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh hoa đỏ, hoàng tinh hoa trắng… Việc nghiên cứu nguồn gen các loài dược liệu này sẽ giúp đánh giá thực trạng phân bố, sự phù hợp với điều kiện tự nhiên, phương pháp bảo tồn, từ đó, bổ sung vào cơ cấu cây trồng của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ý kiến ()