Cần ngay nghị định thực thi Pháp lệnh Quản lý thị trường
Nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn ngày càng trở thành sự sợ hãi thường trực của các bà nội trợ mỗi khi xách làn đi chợ mua thực phẩm chế biến cho bữa ăn gia đình. Sự hoang mang vừa kịp lắng xuống khi trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã thông tin Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành liên quan, báo chí đều thể hiện quyết tâm “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn thì vừa qua, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã đưa ra con số báo cáo khiến dư luận lại dấy lên sự nghi ngại: hơn 9.600 vụ vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) được phát hiện trong sáu tháng đầu năm 2016.
Mặc dù sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước kiểm tra hơn 87 nghìn vụ, phát hiện, xử lý gần 55 nghìn vụ vi phạm (giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, riêng vi phạm ATTP, lực lượng QLTT xử lý hơn 9.600 vụ với trị giá hàng vi phạm 73,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 23,1 tỷ đồng.
Qua công tác kiểm tra lực lượng QLTT đã phát hiện được nhiều vụ việc về thực phẩm bẩn nhưng theo cơ quan này, công tác kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy, xử lý các vụ việc còn nhiều bất cập do thiếu kinh phí hoạt động, nhất là các kinh phí: giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, thói quen mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ, nhất là chợ “cóc” gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm. Bên cạnh đó, việc lưu giữ, bảo quản hàng hóa chờ xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là loại hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, ATTP do không có kho chuyên dụng bảo quản tang vật, phương tiện. Nếu để chờ xử lý vi phạm hoặc xử lý quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như tác động xấu đến môi trường… Cũng theo cơ quan chức năng, hạn chế lớn nhất trong công tác kiểm tra ATTP hiện nay là do Bộ Công thương chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn quy định hoạt động kiểm tra ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Hệ thống các quy định về quản lý chất lượng ATTP nói chung, kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng, còn quá nhiều, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo. Chưa kể tới tính ổn định của một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ATTP trong hoạt động thương mại chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Sự thiếu ổn định này gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát ATTP của các cơ quan nhà nước. Chính vì sự bất cập này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm thoải mái ghi lên nhãn hàng hóa của mình các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài kiểm soát nào. Nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như người tiêu dùng về ATTP còn nhiều hạn chế. Việc xử lý các vi phạm ATTP ở một số cơ quan chức năng thiếu quyết liệt, nhất là ở tuyến xã, hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã rõ. Thực tế nhu cầu tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ngày càng đặt ra vấn đề cấp thiết cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các tập thể và cá nhân vi phạm. Do đó, các cơ quan chức năng (các ngành: y tế, nông nghiệp, công thương) cần thật sự phát huy vai trò phối hợp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các nhà quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng cần phải tỉnh táo với các loại thực phẩm, tìm đến những địa chỉ tin cậy, những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm vệ sinh ATTP.
Thời gian tới, Cục QLTT (Bộ Công thương) tiếp tục tăng cường thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Hiện, cơ quan chức năng đang chờ sự ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh QLTT vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tháng 3-2016, để lực lượng chức năng có thể thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()