Cần ngăn chặn hoạt động vận chuyển hàng lậu thông qua dịch vụ chuyển phát
(LSO) – Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh, thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số đối tượng sử dụng dịch vụ chuyển phát của bưu điện để vận chuyển hàng nhập lậu.
Ngày 15/4/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 (phụ trách địa bàn huyện Văn Lãng) phối hợp với Đội 389 tỉnh, Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh, Chi cục Hải quan Tân Thanh và UBND xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng) tiến hành kiểm tra tại Bưu cục Tân Thanh, thuộc Bưu điện huyện Văn Lãng. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 50 kiện hàng với trọng lượng gần 2 tấn gồm 180 loại hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc đã in vận đơn, chuẩn bị vận chuyển đến địa chỉ đã giao dịch.
Ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội QLTT số 7 cho biết: Sau khi phối hợp xác minh, đội xác định lô hàng này là hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc, được “hợp thức hoá” thông qua hoá đơn bán hàng của một số chủ hàng tại khu vực chợ Tân Thanh. Các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng dịch vụ chuyển phát của bưu điện nhằm vận chuyển số hàng lậu này vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Cán bộ Đội QLTT số 7 thực hiện kiểm tra lô hàng chuẩn bị được chuyển phát tại Bưu cục Tân Thanh. Ảnh do Đội QLTT số 7 cung cấp
Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 5/2020, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh đã phát hiện, xử lý 6 vụ việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng nhập lậu. Trong 6 vụ vi phạm được các lực lượng chức năng phát hiện, vụ việc tại Bưu cục Tân Thanh là vụ điển hình với số lượng hàng hoá nhập lậu lớn.
Ông Đặng Văn Ngọc, quyền Cục trưởng Cục QLTT – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết: Thực tế, không chỉ thời gian này, mà những năm trước (2018, 2019), lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện một số vụ việc tương tự. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian tới, khi các lực lượng chống buôn lậu kiểm tra, kiểm soát chặt trên khâu lưu thông qua tuyến đường bộ, đường sắt, các đối tượng buôn lậu sẽ tiếp tục chuyển hướng, lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện, cũng như dịch vụ chuyển phát của các đơn vị bưu chính để vận chuyển hàng lậu. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, hàng điện tử, hàng thực phẩm, tân dược, hoá chất tẩy rửa…
Để đấu tranh ngăn chặn, BCĐ 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển hàng lậu thông qua dịch vụ chuyển phát. Trong đó, lực lượng công an, QLTT, hải quan… cần tập trung làm tốt công tác nắm tình hình thị trường, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp trong công tác kiểm tra các cơ sở bưu cục, bưu điện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển hàng nhanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Bưu điện tỉnh cần tăng cường kiểm tra trách nhiệm của cán bộ các bưu cục trực thuộc, đặc biệt là cán bộ được giao nhiệm vụ nhận, đóng gói hàng chuyển phát nhanh. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi “tiếp tay” cho các đối tượng buôn lậu. Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực bưu chính, Sở Thông tin và Truyền thông cần thường xuyên lập đoàn kiểm tra các đơn vị bưu chính trên địa bàn về nội dung nhận tiếp nhận các mặt hàng thông qua dịch vụ chuyển phát. Đồng thời cần tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nhận diện các thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Theo quy định trong Luật Bưu chính năm 2010, các giao dịch viên của các bưu cục, đơn vị giao hàng nhanh phải có trách nhiệm kiểm đếm số lượng hàng, yêu cầu người gửi phải xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh hoạt động nhập khẩu hợp pháp (hàng hoá có nguồn gốc sản xuất ở nước ngoài)…, sau đó mới tiếp nhận, in vận đơn, đóng gói để vận chuyển đến địa chỉ người nhận. |
Ý kiến ()