Cần ngăn chặn có hiệu quả doanh nghiệp FDI báo lỗ giả
Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài có bước phát triển mới. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài có bước phát triển mới. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế đang xuất hiện, đó là có không ít doanh nghiệp FDI báo lỗ giả để trốn thuế. Làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng này đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ hoặc không có lãi. Chỉ tính riêng kết quả thanh tra đối với doanh nghiệp FDI tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều bất thường và sai phạm. Qua kiểm tra 399 doanh nghiệp ở khu chế xuất của các địa phương nói trên vào thời điểm 31/12/2011, có tới 57% doanh nghiệp không phát sinh doanh thu hoặc hạch toán lỗ hoặc không lãi, nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm với tổng mức lỗ lên tới 4.629 tỷ đồng. Nhận xét về hiện tượng trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, nhiều doanh nghiệp FDI có biểu hiện của việc chuyển giá trong giao dịch liên kết, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài qua việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị với giá cao và xuất khẩu với giá thấp để tạo lỗ giả, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp…. Nhưng, do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài nên cơ quan thuế không đủ cơ sở để xem xét, xử lý. Điều này cho thấy, chuyển giá ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý vấn đề này. Rõ ràng, khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam trong việc xử lý chuyển giá là lĩnh vực thuế.
Ngăn chặn chuyển giá không phải là vấn đề mới. Ngay từ năm 1997, các cơ quan quản lý nhà nước ban hành nhiều văn bản về việc hướng dẫn nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, do nguyên nhân cả về chính sách, năng lực cán bộ yếu, cũng như chưa có đầu mối chuyên trách. Những số liệu do Thanh tra Chính phủ vừa công bố trong tháng 9 vừa qua cho thấy, kết quả đạt được trong hoạt động chuyển giá còn khiêm tốn, cả về quản lý đối tượng cũng như đấu tranh điều chỉnh giá để tăng thu ngân sách nhà nước.
Để hạn chế tình trạng trên, cần có quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp tính giá, để việc quản lý thuế được áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp có tính phức tạp. Cần có chế tài xử lý đủ mạnh đảm bảo tính răn đe đối với những doanh nghiệp có hành vi chuyển giá. Tăng quyền hạn của cơ quan thuế, để cơ quan này được tham gia vào quá trình điều tra, để sớm phát hiện, xử lý các vụ cố tình vi phạm chuyển giá nhằm tối thiểu hoá nghĩa vụ thuế.
Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ thuế làm việc chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá ở tất cả các cấp. Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về chuyển giá. Các đơn vị thuế cần kiểm soát được chất lượng kê khai thông tin giao dịch liên kết và xử phạt theo quy định đối với các trường hợp chậm kê khai. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá cần được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự đồng thuận của các cấp chính quyền, xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự giác tuân thủ, hạn chế lợi dụng chuyển giá.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()