“Cân não” lựa chọn tổ hợp môn học đầu cấp
Việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 đang đặt ra cho phụ huynh và học sinh bài toán khó về việc lựa chọn giữa sở thích, năng lực bản thân với mục tiêu nghề nghiệp sau này.
Năm học 2022-2023 là một năm học đặc biệt đối với học sinh vào lớp 10. Đây không chỉ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học phổ thông (THPT) với nhiều môn học mới mà còn là nỗi lo: Chọn môn học tổ hợp thế nào cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp, trường đáp ứng tới đâu… Phụ huynh và học sinh đều mong sớm có lời giải đáp khi năm học mới đã cận kề.
Thiếu căn cứ để xác định
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng theo định hướng nghề nghiệp nên thay vì học tất cả các môn như trước đây, học sinh lớp 10 trong năm học này chỉ học 8 môn bắt buộc và mỗi học sinh sẽ lựa chọn thêm 1 tổ hợp.
Cụ thể, học sinh được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Việc cho phép học sinh được chọn môn học ngay từ đầu cấp THPT là một bước tiến của chương trình này. Tuy nhiên, việc lựa chọn tổ hợp còn ảnh hưởng đến việc thi cử sau này, định hướng nghề nghiệp nên không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy lo lắng, bối rối, không biết lựa chọn thế nào cho phù hợp.
Dành cả buổi chiều lắng nghe giáo viên tư vấn mà khi ra về, chị Bùi Thị Huệ Linh, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai có con vừa trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT số 3 TP Lào Cai vẫn không hết băn khoăn trước việc con sẽ lựa chọn học tổ hợp nào.
Đúng là phải “cân não” khi chọn tổ hợp. Cháu còn chưa biết mình thích làm nghề gì trong tương lai. Gia đình tôi phải tìm hiểu kỹ, đồng thời nhờ sự tư vấn của thầy, cô giáo để giúp con chọn môn vừa sức học, nhưng cũng rất băn khoăn có thể lên lớp 11, 12 con lại thay đổi nguyện vọng. Lúc đó, không biết cháu sẽ học thế nào”, chị Linh lo lắng bày tỏ.
Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội giới thiệu thông tin tới phụ huynh. |
Chia sẻ nỗi lo này, thầy Hồ Vương Thái, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 TP Lào Cai cho biết: “Bản thân chúng tôi cũng đặt ra nhiều câu hỏi và vẫn đang chờ hướng dẫn. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho biết 3 năm nữa, các con sẽ thi đại học như thế nào. Do đó, chúng tôi chỉ có thể tư vấn học sinh nên chọn học theo khối thi truyền thống. Điều phụ huynh đang băn khoăn nhất đó là 3 năm nữa, nếu thi đại học theo đánh giá năng lực thì nên học theo tổ hợp nào”.
Chỉ còn khoảng hai tuần nữa năm học mới bắt đầu, nhưng em Lê Thu Trang, học sinh Trường THPT số 3 TP Lào Cai vẫn phân vân giữa các tổ hợp. Trang chia sẻ: “Em thấy rất khó khăn trong việc lựa chọn tổ hợp môn học, không biết nên chọn môn học mình yêu thích hay môn đạt điểm số cao cuối năm lớp 9”.
Đó cũng là những câu hỏi của nhiều học sinh khi kết quả học tập cuối năm lớp 9 của các em không có sự chênh lệch quá lớn về điểm số giữa các môn học tự nhiên và xã hội. Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo chương trình mới để các em có thể nhìn vào đó chọn các khối cho mình. Vì vậy, học sinh chưa có đủ căn cứ xác định tổ hợp môn học thế mạnh, cũng như môn học liên quan đến ngành nghề trong tương lai. Nếu học sinh chuyển trường hay lưu ban thì tổ hợp đang học sẽ thế nào cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ghi nhận tại một số trường, có độ chênh lệch khá lớn tỷ lệ học sinh đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên. Theo lý giải của các em, khi chưa biết mình sẽ thi gì, các em sẽ chọn tổ hợp tự nhiên để giảm mức độ rủi ro. Nếu học thấy không phù hợp, vẫn có thể bổ sung kiến thức chuyển qua tổ hợp xã hội. Nếu ngay từ đầu chọn nhóm ngành xã hội thì sẽ rất khó “quay đầu” bởi các môn tự nhiên đòi hỏi nhiều thời gian đầu tư học tập, rèn luyện hơn.
Điều học sinh cần hiện nay là xác định được hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Việc phải xác định rõ một con đường tương lai ngay ở lứa tuổi nhiều biến đổi cả về tâm sinh lý và nhận thức là một lựa chọn rất khó, cần có một môi trường linh hoạt và phương pháp hỗ trợ hiệu quả.
Một số môn học đang bị “khai tử”
Để xây dựng các tổ hợp, về cơ bản, mỗi trường sẽ phân ra các nhóm lớp thuộc ban tự nhiên và xã hội. Các môn Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ được ghép vào hai nhóm nói trên sao cho phù hợp. Thường các trường căn cứ vào đội ngũ giáo viên hiện có để hướng học sinh đăng ký gói gọn từ 4 đến 6 tổ hợp. Đến năm 2025, nếu các trường đại học vẫn duy trì tuyển sinh theo nhóm môn truyền thống như hiện nay thì cách làm này cũng là con đường ngắn nhất với các tổ hợp xét tuyển đại học.
Tuy nhiên, xu hướng xây dựng tổ hợp lựa chọn hiện nay của nhiều trường vô hình trung đang “khai tử” một số môn học. Điều này sẽ dẫn tới những hệ lụy không nhỏ.
Theo chương trình mới, học sinh được lựa chọn môn học nhưng thực tế chỉ được chọn trong số các môn mà nhà trường có thể dạy. Nhiều trường THPT, nhất là các trường ở miền núi năm học này chưa thể triển khai hai môn học Âm nhạc, Mỹ thuật. Nguyên nhân chính là không có giáo viên. Cắt đi hai môn học đồng nghĩa chỉ còn 7 môn lựa chọn để chia tổ hợp.
Điều đó “giúp” nhiều trường xếp tổ hợp có phần dễ hơn. Năm học này, Trường THPT Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tuyển khoảng 300 học sinh lớp 10, biên chế vào 6 lớp, tương ứng với 6 tổ hợp môn, trong đó không tổ hợp nào có môn Mỹ thuật và Âm nhạc.
Chia sẻ lý do nhà trường không đề xuất tuyển dụng giáo viên hai môn này, thầy Hà Giang Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Lư cho biết: “Thực hiện tinh giản biên chế, số lượng giáo viên tuyển mới vào đang khó khăn. Mặt khác, đội ngũ hiện có của trường cơ bản bảo đảm về cơ cấu và tương đối phù hợp. Nếu có thêm giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường sẽ tính toán thêm”.
Nếu các môn thuộc nhóm nghệ thuật bị “loại” khỏi tổ hợp vì là môn mới, chưa đủ giáo viên để đáp ứng thì môn Công nghệ-môn học đã có từ lâu-cũng chịu chung số phận. Vừa qua, trong thông báo định hướng tổ hợp của Trường THPT Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, không tổ hợp nào có môn Công nghệ trong 5 tổ hợp được xây dựng. Tương tự, trong 4 tổ hợp của Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, môn Công nghệ cũng vắng bóng. Theo chia sẻ của một số giáo viên, việc bộ môn này bị “khai tử” có nhiều lý do.
Có thể kể đến việc càng có nhiều học sinh đỗ đại học thì thành tích của trường càng cao nên đầu tư vào những tổ hợp có môn thi đại học sẽ hiệu quả hơn. Do đó, việc tạo ra chương trình với môn lựa chọn sẽ mất đi nhiều ý nghĩa khi học sinh không có đủ môn để chọn.
Còn với người dạy, họ đã mất đi quyền được dạy những môn học đó. Chưa kể, sẽ ra sao nếu thời gian tới, kiến thức liên quan đến môn Công nghệ xuất hiện trong đề thi của một tổ hợp nào đó thuộc các ngành nghề STEM, như vậy, chẳng phải học sinh sẽ thiệt thòi khi không được trang bị kiến thức.
Có thể thấy, việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 đang đặt ra cho phụ huynh và học sinh bài toán khó về việc lựa chọn giữa sở thích, năng lực bản thân với mục tiêu nghề nghiệp sau này. Trong bối cảnh chương trình khung đã có nhưng quy định về các hình thức xét tuyển đầu ra chưa được cơ quan quản lý công bố, việc đăng ký tổ hợp môn học được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt cả người học, trường phổ thông và công tác tuyển sinh đại học trong tương lai gần vào thế khó.
Ý kiến ()