Cần nâng chất lượng, giữ thị trường
Ngành thủy sản tăng trưởng cao nhất trong nhóm nông sản trong những tháng đầu năm.
Đối diện thách thức
Trong khi hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành bị áp thuế chống bán phá giá cá tra ở mức cao thì tại thị trường Mỹ, Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn được hưởng thuế suất xuất khẩu 0%. Thêm vào đó, các dòng cá cạnh tranh trực tiếp với cá tra gặp nhiều bất lợi lớn, điển hình như nguồn cung cá tuyết được dự báo sẽ giảm mạnh và giá cá rô phi nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế mới 25%. Vì vậy, Thủy sản Vĩnh Hoàn vẫn giữ đà tăng trưởng tốt tại Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng với công ty khi chiếm gần 70% tổng doanh thu và ghi nhận kin ngạch xuất khẩu tăng trưởng đến 63%. Đặc biệt, nhờ danh tiếng tại thị trường Mỹ, thủy sản Vĩnh Hoàn đã được Alibaba chọn làm nhà cung cấp vào thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), sáu tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng khá, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,77 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%, mức cao nhất trong các nhóm hàng nông sản. XK thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018…
Mặc dù tình hình khá sáng sủa trong nhóm nông sản nhưng, theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong các tháng đầu năm 2019, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như: Nhật Bản, EU và Mỹ không có nhiều dấu hiệu tích cực đã tác động đến kim ngạch XK thủy sản chung của Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Oai – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết, XK thủy sản nửa đầu năm chưa đạt 50% so với kế hoạch năm 2019. Nguyên nhân là do giá tôm XK giảm do cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador; Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại biên giới; giá cá tra nguyên liệu và XK giảm…
Về thị trường cá tra, ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản nhận định, cá tra Việt Nam không còn một mình một chợ, riêng tại thị trường Mỹ, vừa rồi, 11 quốc gia cùng nộp hồ sơ XK vào thị trường này, trong đó Mỹ đã duyệt hồ sơ cho ba quốc gia gồm: Việt Nam, Trung Quốc và Thái-lan. Bên cạnh đó, cá tra Việt Nam vẫn đang gặp phải hệ thống rào cản về kỹ thuật và thương mại ngày càng tăng. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa áp thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam từ 1,37 USD/kg đến 3,87 USD/kg (tùy DN). Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg (áp dụng cho các DN ngoài danh sách nói trên muốn XK cá tra vào Mỹ).
Đối với con tôm, trong năm 2018 và 2019 cũng vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ thị trường, trong đó đặc biệt là thị trường Ấn Độ và Ecuador. “Trong 5 năm gần đây, thị trường Ấn Độ có những năm tăng trưởng 8,5% về sản lượng, dẫn đến tồn kho lớn, gây sức ép phải bán dưới giá thành sản xuất. Ecuador là quốc gia có ngành tôm có tiềm năng rất lớn, sản xuất các sản phẩm rất tốt nên gây sức ép cạnh tranh lên ngành tôm Việt Nam rất cao” – ông Như Văn Cẩn thông tin.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam vẫn ở mức cao, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa hình thành tốt, nên khi có những tác động về thị trường sẽ gây bất lợi cho người sản xuất. Đáng chú ý, từ ngày 31-12-2018, mặt hàng tôm và bào ngư XK vào thị trường Mỹ phải tuân theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản Mỹ (SIMP).
Nâng sức cạnh tranh cho thủy sản xuất khẩu
Trước những thách thức đặt ra từ thị trường, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới liên tục, nỗ lực nhằm tăng sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
Ông Như Văn Cần thông tin, về SIPM, hiện Tổng cục Thủy sản đã đưa các mặt hàng hàng tôm và bào ngư vào đối tượng sẽ đăng ký của Vụ Nuôi trồng thủy sản từ năm 2019. Đây là yếu tố quan trọng để có thể tiếp cận đáp ứng các yêu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. “Vấn đề cốt lõi đối với tôm và cá tra Việt Nam trong thời gian tới là phải giảm giá thành sản xuất, duy trì chất lượng sản phẩm, kiểm soát tốt vấn đề dư lượng kháng sinh, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Như Văn Cẩn nói.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, hai ngành XK thủy sản quan trọng của Việt Nam là tôm và cá tra, trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty đã được chính phủ Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. Do đó, về ngắn hạn, các DN nên đẩy mạnh XK tôm sang thị trường này, cạnh đó, cần tăng cường XK cá tra sang các thị trường truyền thống khác, như Trung Quốc, EU và ASEAN. Về dài hạn, các cơ sở chế biến thủy sản cần nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo quản tích trữ, các nhà máy tiệt trùng, chế biến. Điều này sẽ giúp DN cải thiện năng lực sản xuất, tăng cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ hơn cho DN.
Về phía các DN, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, Hiệp định thương mại tự Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ hiệp định này, DN phải đối mặt với các thách thức về quy tắc xuất xứ, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, từ đó đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động, môi trường, chất lượng sản phẩm và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời xây dựng kế hoạch XK phù hợp để tận dụng tối đa cơ hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()