Cần nâng cao ý thức phòng dịch trong trạng thái "bình thường mới"
– Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Lạng Sơn cùng với cả nước đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới” là thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, góp phần hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội.
Người dân đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Xuất hiện tâm lý chủ quan
“Ai rồi cũng mắc COVID-19” đang là tư tưởng của khá nhiều người dân hiện nay trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn tăng lên từng ngày. Do đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, các cửa hàng, dịch vụ và du lịch đã mở cửa trở lại nên cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, không khó bắt gặp hình ảnh một số người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách; các hàng quán đã mở cửa trở lại nhưng việc trang bị vách ngăn giọt bắn vẫn còn chưa nhiều.
Cùng với đó, qua những dòng tâm sự, chia sẻ trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp nhiều người dân có tâm lý chủ quan theo kiểu “trước sau gì cũng mắc COVID-19”. Thậm chí không ít người tự “thả lỏng” bản thân để mắc COVID-19 vì suy nghĩ đây chỉ là cảm cúm thông thường, mắc sớm còn hơn mắc sau. Đây là một xu hướng không tốt, ảnh hưởng đến quá trình phòng, chống dịch đang được cả hệ thống chính trị hết mình thực hiện trong thời gian qua.
Ông Đ.V.Đ, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Xung quanh gia đình tôi đã có rất nhiều người mắc COVID-19, với tỉ lệ F0 gia tăng như hiện nay thì tôi nghĩ rồi mình cũng mắc thôi. Với lại, tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên chắc sẽ không có triệu chứng như mọi người.
Còn ông P.V.N, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Bạn bè tôi đã có nhiều người mắc COVID-19, họ chia sẻ chỉ mất 3 đến 5 ngày điều trị là khỏi bệnh, thêm cách ly 1 tuần nữa sau khi khỏi là có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tôi giờ không còn thấy sợ bị mắc COVID-19 như trước nữa nên nếu bị mắc cũng không lo lắng gì.
Không chỉ có ông Đ, ông N, khi phóng viên hỏi về việc có lo sợ mắc COVID-19 hay không thì rất nhiều người trả lời rằng “ai rồi cũng thành F0” hoặc “để mắc một lần cho biết”.
Chính sự chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch đang là nguy cơ dẫn đến số ca mắc COVID-19 gia tăng từng ngày. Theo báo cáo của Sở Y tế, chỉ tính trong 15 ngày qua (từ 22/2/2022 đến 8/3/2022), toàn tỉnh ghi nhận 41.117 ca mắc COVID-19 mới, trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 2.700 ca mắc. Riêng trong ngày 8/3/2022, toàn tỉnh ghi nhận 3.885 ca mắc, cao nhất từ trước đến nay, các ca mắc mới chủ yếu ghi nhận trong cộng đồng.
Thực tế cho thấy, không phải ai mắc COVID-19 cũng mau khỏe lại và có nguy cơ lây nhiễm nhiều lần nếu chủ quan trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng tốn nhiều thời gian cách ly, điều trị làm gián đoạn đến cuộc sống, công việc; hệ thống y tế quá tải khi số lượng F0 tăng mạnh trong thời gian ngắn. Chưa kể, tỉ lệ lây nhiễm cao khiến cho các đối tượng nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh nền dễ bị mắc bệnh, chuyển nặng có nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, sau khi mắc COVID-19 đã điều trị khỏi, nhiều người có thể gặp phải các di chứng tác động xấu đến sức khỏe.
Bác sĩ Đặng Huy Du, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Qua theo dõi các bệnh nhân đã điều trị khỏi, tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe là tương đối lớn. Đối với các bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền sau khi điều trị khỏi thì nhiều người gặp phải một số tổn thương chức năng hô hấp và những tổn thương ở tim, gan, da… Đối với các bệnh nhân nhẹ, sau khi điều trị khỏi, bệnh nhân thường gặp các vấn đề tâm lý như: stress, mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, khó thở và nhiều nguy cơ khác.
Mỗi người hãy thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh và chuyển nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vắc xin, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong rất cao. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý “ai rồi cũng mắc COVID-19” – Bác sĩ Du chia sẻ.
Thận trọng nhưng không hoang mang
Cùng với chủ quan, chúng ta cần loại bỏ ngay tâm lý hoang mang, lo lắng trong giai đoạn hiện nay. Nhiều người lo lắng về dịch bệnh đã tự đi mua các loại thuốc về dự phòng hoặc tìm mua các loại thuốc được quảng cáo là phòng và điều trị được COVID-19 trên mạng xã hội với giá thành cao mà không rõ thuốc sử dụng có đạt hiệu quả hay không. Hay việc tìm mua các loại test nhanh COVID-19 về để sử dụng đã tạo ra cho thị trường vật tư y tế phòng chống dịch lên cơn “sốt ảo” ảnh hưởng đến kinh tế, thị trường và sức khỏe của người tiêu dùng.
Hiện nay, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Kết quả tiêu biểu như: sau gần 1 năm thực hiện Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, Lạng Sơn đã đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin ở mức cao. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 8/3/2022, tỉ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện đã tiêm vắc xin mũi 1 là 99,82%; tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 97,26%; tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 81,24%. Đối với trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,55%; tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi đạt 94,79%.
Việc gia tăng độ bao phủ vắc xin đã góp phần làm giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế số ca tử vong. Tính từ ngày 6/5/2021 đến 8/3/2022, toàn tỉnh có 55.554 F0 (đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có 27.558 ca khỏi bệnh, trong đó chỉ có 54 ca tử vong (tỉ lệ tử vong trên tổng số ca mắc là 0,1%). Toàn tỉnh hiện có 27.939 F0 đang điều trị tại tỉnh (25.310 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, chiếm 90,6%). Hiện nay, trung bình mỗi ngày có trên 2.000 trường hợp được công bố khỏi bệnh.
Cùng với đó, ngành y tế đang nỗ lực xây dựng các phương án, giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng chuyển nặng và tử vong cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng chống dịch, ngành y tế đang khẩn trương hoàn thiện phương án bảo vệ người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung cho tất cả các trường hợp đủ điều kiện tiêm vắc xin, ngành y tế đã sẵn sàng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế cho phép.
Trong trạng thái “bình thường mới”, một số hoạt động đang dần trở lại bình thường nhưng dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi mỗi người cần tự nâng cao ý thức phòng chống dịch, tuyệt đối không được hoang mang, không được chủ quan trước dịch bệnh. Mỗi người dân hãy luôn thực hiện nghiêm túc thông điệp “5K Vắc xin, thuốc điều trị Công nghệ Ý thức người dân” để góp phần cùng cả hệ thống chính trị chung tay đẩy lùi dịch bệnh, góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội.
Ý kiến ()