Cần nâng cao ý thức của chủ vật nuôi
LSO-Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, từ ngày 15/9/2017, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Tại Lạng Sơn, để nghị định này đi vào thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Chó được thả rông trên đường Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn |
Trên thực tế, ở các vùng nông thôn, gần như nhà nào cũng nuôi một vài con chó để trông nhà. Còn ở thành thị, ít người nuôi hơn nhưng cũng chỉ có các loại chó đắt tiền, người dân mới nhốt vì sợ mất, còn chó thường vẫn thả rông. Tại thành phố Lạng Sơn, không khó để bắt gặp những chú chó thả rông, không rọ mõm, không xích, không người dắt, chạy “hồn nhiên” trên các tuyến đường phố, khu vực dân cư hoặc thậm chí ngay cả trên quốc lộ.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị định 90. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định về xử lý tình trạng chó thả rông, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Việc người dân trên địa bàn vẫn còn thói quen thả rông chó hay việc không đảm bảo các biện pháp an toàn khi thả chó nơi công cộng là rất phổ biến. Do vậy, để thay đổi được thói quen này trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ vật nuôi.
Ở Lạng Sơn, để thành lập ngay đội chuyên đi bắt nhốt chó thả rông là rất khó vì điều này liên quan tới kinh phí mua sắm phương tiện, hình thành khu nuôi nhốt tạm thời vật nuôi. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là việc nâng cao ý thức của nhân dân trong chấp hành nghiêm việc tiêm phòng cho vật nuôi. Nếu chấp hành nghiêm việc tiêm phòng cho vật nuôi thì sẽ phòng ngừa được tình trạng bệnh dại lây từ vật nuôi sang người và mỗi năm sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền tiêm phòng của người dân do bị chó cắn.
Qua thực tế có thể thấy, việc chủ vật nuôi thả rông chó hay không có các biện pháp như rọ mõm, xích vật nuôi ở nơi công cộng; không mang chó đi tiêm phòng dại theo quy định còn khá phổ biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới số người hằng năm phải đi tiêm phòng dại do bị chó cắn là rất lớn. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có 12.726 người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế để điều trị và có 5 người tử vong do chủ quan không tiêm phòng khi bị chó mang bệnh dại cắn.
Do vậy, trong điều kiện còn khó khăn, khi chưa thể thành lập được lực lượng chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật có dấu hiệu mắc bệnh dại, ngành thú y tỉnh sẽ ưu tiên cho việc thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng để chủ vật nuôi nắm rõ quy định của Nghị định 90.
Ông Đàm Quang Hoàn, tổ 3, khối 7, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian gần đây, qua báo đài, tôi có được nghe về Nghị định 90 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, thiết nghĩ đây cũng là giải pháp hữu hiệu bởi việc thả rông chó ngoài việc mất an toàn cho người dân còn mất cả vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.
Như vậy, quy định mới về việc xử lý tình trạng chó thả rông, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đã có hiệu lực. Để nghị định đi vào cuộc sống và đảm bảo an toàn cho người dân, các ngành chuyên môn, các địa phương, cơ sở cần tập trung cao cho công tác tuyên truyền. Đồng thời, mỗi chủ vật nuôi cần phải tự giác chấp hành nghị định. Bởi làm được như vậy, không chỉ đảm bảo an toàn cho người xung quanh mà còn giữ an toàn cho chính gia đình mình.
TUẤN ANH
Ý kiến ()